Cách mạng ngân hàng tại Kênia

Các chi nhánh Safaricom của Patrick Maina không hề mang dáng vẻ của một ngân hàng và Patrick cũng không giống một ông chủ nhà băng. Ở độ tuổi 38, anh ta thích mặc những bộ đồ sặc sỡ với chiếc đầu luôn cạo nhẵn bóng nhưng lại khá thân thiện và khiêm tốn. Kết quả kinh doanh của Patrick trong mấy năm qua cũng chẳng cho thấy đó là hoạt động ngân hàng.

Một khách hàng đang sử dụng dịch vụ chuyển tiền nhanh tại một chi nhánh của Safaricom. Ảnh: Internet


Khởi nghiệp với số vốn đầu tư 1.000 USD từ 4 năm trước, đế chế tài chính của anh hiện có tới 218 chi nhánh trên khắp đất nước Kênia. Khi nhấn mạnh việc Safaricom khác với hoạt động ngân hàng truyền thống như thế nào, Patrick đã ca ngợi công ty của mình không phải vì nó làm anh giàu có (anh kiếm được 150.000 USD/năm và đang sở hữu 1 chiếc xe hơi hiệu Lexus cùng 1 ngôi nhà nằm trong khu vực phát triển nhà ở sang trọng của Nairôbi) mà ở chỗ nó thúc đẩy một quốc gia phát triển như thế nào. "Safaricom giúp nâng cao đời sống của người dân và giúp họ tìm việc làm", anh nhấn mạnh.

Thật vậy, Safaricom chính là khởi nguồn cho một cuộc cách mạng ngân hàng đang lan từ Kênia ra toàn thế giới. Carol Realini, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Obopay, một nhà cải cách ngân hàng qua mạng di động có trụ sở tại bang California (Mỹ), thừa nhận: "Châu Phi là thung lũng Silicon của ngành ngân hàng. Tương lai của ngành ngân hàng hiện đang được hình thành tại đây. Những mô hình mới cho trào lưu chính trên khắp thế giới trong tương lai đang được ấp ủ. Nó sẽ thay đổi thế giới".

Vậy nó là gì? Đầu tiên, đó là hoạt động ngân hàng theo quan điểm của những người không phải chủ ngân hàng. Safaricom không phải là một ngân hàng thực thụ - ít nhất lúc đầu không phải vậy. Công ty này được thành lập năm 1997 với đăng ký kinh doanh là một công ty điện thoại di động và hoạt động chính của nó là kết nối người dân Kênia trong suốt thập kỷ qua.


Đa phần người châu Phi không bao giờ sở hữu một chiếc điện thoại cố định trong đời và với ảnh hưởng của điện thoại di động như hiện nay, tương lai có lẽ cũng không có thay đổi gì lớn.


Theo công ty phân tích công nghiệp Informa Telecoms & Media, số lượng thuê bao di động tại châu Phi phát triển từ con số không cách đây hơn một thập kỷ lên 206 triệu vào thời điểm cuối tháng 9/2010 và dự đoán con số này sẽ lên tới 800 triệu vào năm 2014. Đây chính là cơ sở vững chắc để hoạt động ngân hàng qua mạng di động có cơ hội phát triển mạnh mẽ.

Tại các nước đang phát triển như Kênia, sự xuất hiện của một mạng liên lạc trong tầm tay cho người dân đã có tác dụng sâu rộng đối với tăng trưởng kinh tế. Các nghiên cứu của Trường Kinh doanh Luân Đôn (Anh), Ngân hàng Thế giới và Tổ chức tư vấn Deloitte cho thấy, tại các nước đang phát triển, số lượng điện thoại di động trên 100 người dân cứ tăng lên 10 chiếc thì GDP cũng tăng từ 0,6% - 1,2%.

Mối liên hệ giữa sự phát triển và số lượng điện thoại di động đã tạo thêm môi trường cho cải cách, phần lớn trong đó sử dụng dịch vụ liên lạc di động rẻ tiền nhất là tin nhắn văn bản. Trên cơ sở đó, tại Nam Phi đã xuất hiện mạng Mxit, một mạng xã hội dựa trên cơ sở nhắn tin; txteagle, một mạng outsoursing (nhận việc từ các công ty bên ngoài) ở thế giới đang phát triển; mPedigree, một dịch vụ của đất nước Gana cho phép xác định tính thật-giả của các loại dược phẩm dựa trên mã vạch, qua tin nhắn văn bản gửi tới tổng đài.


Trong môi trường phong phú như vậy, Safaricom dễ dàng mở rộng những sáng kiến dựa trên tin nhắn văn bản. Trong đó có dịch vụ "hồi âm", cho phép những chủ nhân của chiếc điện thoại di động không thể hoặc không muốn trả tiền cho cuộc gọi thông báo cho các thuê bao khác biết họ đang cần liên lạc. Một dịch vụ khác có tên là Kipokezi, cho phép người dùng gửi và nhận e-mail dưới dạng tin nhắn văn bản.

Thế nhưng cơ hội phát triển thực sự mãi tới năm 2007 mới xuất hiện, khi Safaricom bắt đầu cung cấp dịch vụ chuyển tiền qua tin nhắn văn bản có tên là M-Pesa (M là viết tắt của Mobile, Pesa có nghĩa là tiền trong tiếng Bantu tại khu vực Đông Phi).


Ý tưởng này hết sức đơn giản: Một khách hàng của Safaricom mang số tiền họ muốn chuyển, cùng với số điện thoại di động của người nhận tới một chi nhánh của Safaricom. Chi nhánh này nhận tiền, tất nhiên là có thu một khoản phí nhỏ, rồi nạp vào tài khoản của người nhận.

Hoạt động ngân hàng qua điện thoại di động đã có mặt tại Nhật Bản và nhiều nước khác từ nhiều năm qua nhưng phát triển hết sức hạn chế. Thế nhưng tăng trưởng của M-Pesa lại khác biệt hoàn toàn. Các chi nhánh cung cấp dịch vụ này bùng nổ trên khắp đất nước Kênia và đến nay tổng số đã lên tới 19.000. Trong số 16 triệu khách hàng của Safaricom thì có tới 12 triệu người có tài khoản M-Pesa, trong khi nước này chỉ có 39 triệu dân.

Thế giới đã ghi nhận thành công này. Obopay đang phát triển các dịch vụ ngân hàng qua mạng di động cho khách hàng Mỹ, Ấn Độ và Nigiêria. Ông Realini nói rằng có cả trăm quốc gia trên thế giới nhìn vào Kênia và hỏi 'Chúng tôi cần làm thế nào?'.


Mạng di động MTN của Nam Phi, một trong những nhà cung cấp dịch vụ di động lớn nhất thế giới, cuối năm 2010 đã tuyên bố triển khai dịch vụ chuyển tiền của riêng mình, dịch vụ MobileMoney, tới 21 quốc gia. Vodafone, đồng sở hữu Safaricom và là người tiên phong đề xuất thử nghiệm hoạt động ngân hàng trên mạng di động, thậm chí còn đang triển khai hoạt động này tới Ápganixtan.

Quang Minh (theo Timeasia)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN