Các động thái nới lỏng chính sách tiền tệ ở Ấn Độ, New Zealand và Thái Lan được đưa ra trong bối cảnh tăng trưởng quý II của Trung Quốc đã chạm mức thấp nhất trong 30 năm và kinh tế giảm tốc tại châu Âu có thể còn tồi tệ hơn khi nước Anh sắp rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang khi Tổng thống Trump hồi tuần trước tuyên bố sẽ áp thuế 10% đối với lượng hàng nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 300 tỷ USD. Quyết định này được Tổng thống Trump đưa ra sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer trở về Mỹ sau vòng đàm phán thương mại với Trung Quốc tại Thượng Hải mà không đạt được tiến bộ nào. Nhằm trả đũa mức thuế quan mới của Washington, Trung Quốc tuyên bố cho phép đồng NDT phá ngưỡng 7 NDT đổi 1 USD và yêu cầu các công ty nhà nước dừng mua các mặt hàng nông sản của Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa Trung Quốc vào danh sách các nước thao túng tiền tệ là động thái mới nhất đẩy cuộc chiến thương mại kéo dài hơn một năm qua giữa hai nước lên một nấc thang mới. Nhiều khả năng cuộc đối đầu này sẽ trở thành cuộc chiến tiền tệ.
Giám đốc Hiệp hội Công nghiệp Đức Joachim Lang nhận định căng thẳng thương mại lan sang cả lĩnh vực tiền tệ quốc tế sẽ làm gia tăng bất ổn cho nền kinh tế toàn cầu. Ông cho rằng các doanh nghiệp phải chuẩn bị ứng phó với sự thay đổi trong các mối quan hệ tiền tệ và những biến động lớn hơn trong tỷ giá.
Cuối tháng Bảy vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 xuống còn 3,2%. Nhà kinh tế trưởng của IMF Gita Gopinath lưu ý rằng căng thẳng có thể sẽ lại gia tăng và lan sang các lĩnh vực khác (như ngành ô tô), gây gián đoạn lớn cho chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chuyên gia Rajiv Biswas của IHS Markit nhận định "môi trường quốc tế hiện tại rất nguy hiểm cho hoạt động thương mại toàn cầu". Nếu giá hàng nhập khẩu tiếp tục tăng lên và việc phá giá tiền tệ làm ảnh hưởng đến hoạt động tiêu dùng, nước Mỹ có thể sẽ nếm trải một “cú dội ngược” từ các cuộc chiến thương mại mà nước này khơi mào. Và nếu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang, ngân hàng trung ương các nước sẽ không còn nhiều “vũ khí” để đối phó.