Tính đến chiều ngày 6/2, tại khu vực nuôi bè trên sông Cái Vừng từ km số 3,5 đến km số 7 thuộc địa bàn phường Long Sơn - thị xã Tân Châu và xã Long Hòa – Phú Tân (tỉnh An Giang) có 27 hộ nuôi cá có hiện tượng cá nổi đầu và chết với tổng sản lượng thiệt hại là 25,31 tấn cá các loại như: cá chép dòn, cá lăng, cá he, cá điêu hồng, rô phi... Hiện đã có một hộ thực hiện di dời bè nuôi cá qua hướng sông Tiền thuộc tỉnh Đồng Tháp.
Sau khi nắm bắt được thông tin, Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang đã phối hợp với Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) và các cơ quan chuyên môn huyện Phú Tân, thị xã Tân Châu tiến hành khảo sát tình hình các hộ nuôi cá bè bị thiệt hại; hướng dẫn người dân các biện pháp khắc phục tạm thời như: dùng máy sục khí oxy, rải oxy hạt, vớt bỏ số cá chết trên các bè; vận động người dân tìm biện pháp di dời bè sang khu vực khác để hạn chế thiệt hại...
Đồng thời, Chi cục Thủy sản tỉnh cũng tiến hành lấy mẫu cá, mẫu nước để gửi đi xét nghiệm bệnh và các chỉ tiêu môi trường nước liên quan; thực hiện đo, kiểm tra nhanh các thông số chỉ tiêu môi trường cơ bản về chất lượng nước như: DO, NH3, PH…
Kết quả kiểm tra nhanh thông số tại hiện trường cho thấy, nồng độ oxy hòa tan trong nước (DO) tại khu vực cá nuôi bè bị chết rất thấp, dao động từ 0,5 đến 1,0 mg/l (thấp hơn nhiều lần so với mức tối thiểu oxy cho phép trong nuôi trồng thủy sản DO ≥ 4 mg/l - theo QCVN 38:2011/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt bảo vệ đời sống thủy sinh) vào thời điểm nước đứng; vào buổi trưa khi nước chảy thì nồng độ oxy hòa tan tăng lên.
Nhận định ban đầu, cá nổi đầu và chết là do mực nước trên sông Cái Vùng xuống thấp, kết hợp dòng chảy yếu tạo nên hiện tượng thiếu oxy cục bộ.
Trong quá trình quan trắc, ngoài khu vực trên thì các hộ nuôi cá ở những khu vực khác trên sông Cái Vừng không phát hiện cá chết. Trước tình hình trên, Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang khuyến cáo người nuôi di dời các lồng bè nuôi cá ra khỏi khu vực bị ảnh hưởng; nhanh chóng bán cá thương phẩm để giảm thiểu thiệt hại.
Bên cạnh đó, người dân tăng cường sục khí tạo oxy, quạt bè tạo dòng chảy, hoặc cung cấp oxy viên tức thời cho các bè có hiện tượng bị thiếu oxy cục bộ.
Đối với số cá chết, người dân cần trục vớt, xử lý, không được đổ cá chết ra sông gây ô nhiễm môi trường. Đối với những hộ nuôi lân cận, dựa vào điều kiện thực tế tiến hành sang thưa, giảm mật độ số cá, giảm sự canh tranh oxy trong quầng đàn.
Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang cũng đề nghị UBND huyện Phú Tân và thị xã Tân Châu chỉ đạo các phòng, ban liên quan và UBND xã, phường tại khu vực cá chết thường xuyên theo dõi tình hình để có giải pháp xử lý kịp thời nhằm hạn chế thiệt hại cho người nuôi; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân di dời bè nuôi cá từ sông Cái Vừng vào các vùng quy hoạch trước mùa khô năm 2020.