Thiên tai còn làm ngập 423 căn nhà và gây ngập sâu một số tuyến đường trên địa bàn thành phố Cà Mau; 450 ha diện tích ao nuôi thủy sản bị ngập tràn; xảy ra một vụ sạt lở, làm hỏng 10 m lộ giao thông nông thôn và một cống xổ vuông nuôi tôm. Lũy kế từ đầu năm 2023 đến nay, thiên tai gây thiệt hại về tài sản trị giá trên 45,8 tỷ đồng.
Các địa phương chịu nhiều thiệt hại do thiên tai trong những ngày vừa qua là huyện Trần Văn Thời, huyện U Minh và thành phố Cà Mau. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, UBND huyện Trần Văn Thời, huyện U Minh và thành phố Cà Mau đang tiếp tục chỉ đạo các xã rà soát, thống kê về thiệt hại và khẩn trương khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Huyện Trần Văn Thời, huyện U Minh phối hợp với Trung tâm Quản lý công trình thủy lợi tỉnh Cà Mau cho vận hành tất cả các trạm bơm ở vùng ngọt nhằm phục vụ sản xuất; phân công cán bộ túc trực vận hành trạm bơm tiêu thoát nước ra sông cứu diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái bị ngập...; thường xuyên kiểm tra, gia cố bao tải cát tại các cầu kéo có nguy cơ bị tràn. Cùng với việc vận hành các trạm bơm ở vùng ngọt, chính quyền địa phương vận động nhân dân sử dụng máy bơm của gia đình bơm nước khô ruộng và thu hoạch nhanh diện tích lúa Hè Thu còn lại nhằm giảm bớt thiệt hại. Riêng đối với vùng sản xuất lúa - tôm, người dân cần chủ động gia cố bờ bao, sử dụng máy bơm nước để bảo vệ diện tích sản xuất lúa, thủy sản.
UBND thành phố Cà Mau chỉ đạo các xã, phường thực hiện cấm biển cảnh báo nguy hiểm tại các điểm ngập sâu trên các tuyến đường giao thông nhằm phòng tránh xảy ra tai nạn; đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường như xử lý, thu gom rác thải, khai thông cống thoát nước.
Ghi nhận của phóng viên TTXVN, sáng 6/10, địa bàn tỉnh không xuất hiện mưa nhưng thủy triều vẫn còn dâng cao, gây ngập cục bộ ở một số tuyến đường giao thông trên địa bàn thành phố Cà Mau.