Chú trọng vùng nguyên liệu chất lượng
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Cà Mau trong 5 năm qua được thực hiện toàn diện trên các phân ngành lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sản xuất lúa hữu cơ, khai thác, đánh bắt hải sản, chăn nuôi… Kết quả thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho thấy, giá trị sản xuất ngư, nông, lâm nghiệp tăng bình quân 4,35%/năm, diện tích nuôi tôm thâm và siêu thâm canh tăng gấp 1,7 lần; tôm nuôi quảng canh cải tiến tăng 2,7 lần và diện tích tôm sinh thái tăng 1,6 lần, diện tích trồng lúa theo cánh đồng lớn tăng 2,8 lần so với năm 2013.
Bên cạnh đó, nhờ ứng dụng khoa học - kỹ thuật về giống, phương pháp canh tác thâm canh, người trồng rừng tại Cà Mau đã rút ngắn được chu kỳ kinh doanh rừng tràm từ 15 - 20 năm trước đây xuống còn 6 - 8 năm và năng suất, chất lượng rừng trồng tăng lên từ 2 - 3 lần.
Theo ông Nguyễn Văn Thư, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Cà Mau, tính đến hết năm 2018, diện tích rừng trồng chất lượng cao của Cà Mau khoảng 19.000 ha. Sau 4 - 5 năm trồng, rừng sẽ có trữ lượng trung bình từ 150 - 250 m3/ha với giá trị thu nhập khi bán khá cao, khoảng 130 - 200 triệu đồng/ha. Kể từ khi thực hiện chuyển đổi loại cây, chất lượng giống, kỹ thuật chăm sóc… người trồng rừng khu vực U Minh Hạ đã học tập để nắm bắt thông tin thị trường nhanh nhạy, tiến tới thành lập hợp tác xã sản xuất tổng hợp ở khu vực rừng tràm.
Theo phương pháp sản xuất này, tỉnh Cà Mau đã có hơn 1.000 ha rừng được Hội đồng quản trị rừng thế giới cấp chứng chỉ FSC (Quản lý rừng hiệu quả). Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau tiếp tục xây dựng phương án quản lý rừng bền vững để tăng diện tích rừng đạt chứng chỉ FSC lên 6.000 ha.
Đối với sản phẩm tôm Cà Mau, ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau cũng đã xác định đây là một trong những ngành hàng chủ lực, cần được chú trọng phát triển vùng nguyên liệu ổn định. Tính đến cuối tháng 10/2019, toàn tỉnh đã xây dựng vùng nguyên liệu tôm lúa hữu cơ trên tổng diện tích gần 14.000 ha. Cùng với sự liên kết sản xuất, thu mua của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản, đã có 370 ha tôm lúa hữu cơ được cấp chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế Organic NOP (Mỹ), Organic EU (châu Âu) và Organic JAS (Nhật Bản).
Trong năm 2019, đã có 22 doanh nghiệp ký kết 61 lượt hợp đồng hợp tác phát triển chuỗi giá trị ngành hàng tôm với 15 hợp tác xã, tổ hợp tác với khoảng 800 hộ dân Cà Mau. Những hợp đồng liên kết này không chỉ để cung ứng vật tư đầu vào gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, mà còn cùng nhau xây dựng vùng nguyên liệu có chứng nhận quốc tế.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Cái Bát, huyện Cái Nước chia sẻ, đến nay, vùng sản xuất tôm lúa hữu cơ với hơn 350 ha của hợp tác xã đã được công nhận vùng nguyên liệu tôm sạch theo tiêu chuẩn ASC. Loại hình nuôi của hợp tác xã rất đa dạng, từ thâm canh, siêu thâm canh cho đến quảng canh cải tiến, quảng canh 2 giai đoạn… Kết quả đó có được chính là nhờ việc liên kết trong sản xuất đã giúp nâng cao năng suất, hiệu quả và chất lượng tôm nuôi, hạn chế dịch bệnh. Từ đó, đời sống của các thành viên trong hợp tác xã không ngừng nâng cao.
Thực hiện đồng bộ giải pháp để khơi thông điểm nghẽn
Thời gian qua tỉnh Cà Mau đã nỗ lực hoàn hiện các chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, nhưng cùng với kết quả đạt được, ngành nông nghiệp Cà Mau vẫn còn những khó khăn tồn tại như công tác quy hoạch hiện vẫn còn chậm, chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có, kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho phát triển sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi và xây dựng vùng sản xuất tập trung quy mô lớn.
Điển hình như, hệ thống thủy lợi hiện nay vẫn thiếu đồng bộ, khả năng huy động các nguồn vốn tín dụng phục vụ sản xuát còn thấp, công tác tổ chức còn manh mún, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thực tế vẫn còn hạn chế.
Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau nhận định, thời gian qua ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau dù có lợi thế nhưng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng vốn có. Vì vậy, để khắc phục những hạn chế còn tồn tại, tỉnh Cà Mau đã có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu chất lượng trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho người sản xuất “gặp gỡ” doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu để sản phẩm lưu thông tốt.
Đồng thời, tỉnh Cà Mau cũng đã xây dựng 13 nhãn hiệu tập thể hàng hoá cho các sản phẩm đặc thù của Cà Mau. Cụ thể, Cà Mau đang hướng đến xây dựng chỉ dẫn địa lý tôm sú, cua và đang xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Lúa sạch Thới Bình”, “Lúa sinh thái”. Sở Nông nghiệp tỉnh Cà Mau cũng đề xuất, bổ sung quy hoạch các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuỷ sản tại các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi, xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Khánh Lâm, huyện U Minh,…
Trong thời gian sắp tới, tỉnh Cà Mau sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp, như trích ngân sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, hệ thống xử lý chất thải và công nghệ thông tin, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, vào khâu sản xuất giống, chế biến thủy sản, nông sản và lâm sản… tăng tích lũy, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn; trong đó, tỉnh Cà Mau sẽ ưu tiên phát triển hạ tầng cho 4 ngành hàng chủ lực là tôm, cua, lúa và gỗ, gắn với công nghiệp chế biến, xuất khẩu.
Ngoài ra, để mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tỉnh Cà Mau còn ban hành nhiều chính sách ưu đãi khác như tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng các dịch vụ cung ứng đầu vào; ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, giá thuê đất…
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường là hướng đi mà tỉnh Cà Mau đang hướng tới. Bởi ngoài mục đích phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp, thì việc gia tăng các giá trị từ nông nghiệp, có sức hút đối với thị trường quốc tế trong thời kỳ hội nhập mạnh mẽ như hiện nay đang là động lực to lớn thúc đẩy nền kinh tế, xã hội tỉnh Cà Mau phát triển, ông Châu Công Bằng cho biết thêm.