Ngư dân thu vớt cá lồng bị chết tại Nghi Sơn ngày 11/9. Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN |
Tình trạng ô nhiễm ở xã đảo Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) vừa qua khiến gần 50 tấn cá lồng và 300 kg cá tự nhiên chết hàng loạt. Phóng viên TTXVN đã có cuộc khảo sát tại các cảng cá ven biển, các chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và thấy các hoạt động đánh bắt, mua bán thủy hải sản trong các ngày gần đây vẫn diễn ra bình thường.
Ra khơi từ tờ mờ sáng, chuyến đánh bắt gần bờ đầu tiên trong ngày của các ngư dân xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa) đã đầy ắp khoang với nhiều loại hải sản phong phú như: Cá khoai, các loại cá biển, tôm, mực, tôm tít... Ngay khi cập bến, rất nhanh chóng, các tiểu thương đã đón sẵn và thu mua toàn bộ số cá trên. Chị Nguyễn Thị Dung (xã Hoằng Trường, Hoằng Hóa) cho biết: "Tôi cũng có nghe thấy thông tin cá chết trong Nghi Sơn, nhưng đối với ngư dân chúng tôi vẫn đánh bắt bình thường, sản lượng đánh bắt vẫn ổn định."
Còn tại xã đảo Nghi Sơn (Tĩnh Gia), nơi xảy ra hiện tượng cá chết, các tiểu thương ở đây cho biết, hiện tại không còn thấy cá chết như một tuần trước, việc thu mua và đánh bắt cá vẫn diễn ra bình thường. Ngay khi xảy ra vụ việc cá lồng, cá tự nhiên chết bất thường, UBND xã đảo Nghi Sơn đã triển khai nhiều biện pháp giúp đỡ người dân ổn định sản xuất cũng như phối hợp với cơ quan chức năng tìm hiểu, làm rõ nguyên nhân.
Qua trao đổi, chị Phạm Thị Yên - một tiểu thương buôn bán thủy hải sản ở chợ xã đảo Nghi Sơn cho biết: Hiện tượng cá chết không ảnh hưởng nhiều đến việc buôn bán thủy hải sản. Người dân trong xã đảo vẫn mua và sử dụng cá biển làm thức ăn bình thường như những ngày trước đây. Tại các chợ dân sinh lớn trên địa bàn thành phố Thanh Hóa như: Chợ Điện Biên, chợ Tây Thành, chợ Trường Thi, chợ Vườn Hoa cũ... hoạt động mua bán các thực phẩm từ biển vẫn diễn ra sôi động. Chị Trịnh Thị Thanh (phường Tân Sơn, thành phố Thanh Hóa) cho biết: "Tôi có nghe thông tin việc cá chết trong Nghi Sơn, nhưng vì lâu nay vẫn quen sử dụng các thức ăn từ biển nên tôi cẩn thận hơn một chút bằng cách lựa chọn những hải sản tươi sống, đánh bắt trong ngày cho bữa cơm gia đình."
Chiều 16/9, trao đổi với phóng viên, ông Lê Minh Lương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thanh Hóa cho biết: "Tàu kiểm ngư của Chi cục vẫn đang tích cực hoạt động tuần tra kiểm soát trên vùng biển Thanh Hóa. Qua kiểm tra cho thấy màu nước biển không có hiện tượng bất thường, các vùng biển không có cá chết, ngư dân vẫn khai thác đánh bắt như mọi ngày. Người dân vùng biển vẫn sử dụng cá, tôm... biển trong bữa ăn hàng ngày. Vì thế, người dân yên tâm đánh bắt, sản xuất nuôi trồng thủy sản, duy trì hoạt động du lịch tại vùng biển Thanh Hóa".
Trước đó, tại huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt với số lượng gần 50 tấn cá lồng và 300 kg cá tự nhiên. Qua các phân tích nhanh ban đầu có thể loại bỏ nguyên nhân cá chết do dịch bệnh. Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa bước đầu xác định lượng cá lồng chết là do hiện tượng tảo nở hoa và vẫn đang tiếp tục tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để xác định rõ nguyên nhân cá tự nhiên chết.