Bước tiến của APEC trong đảm bảo an ninh lương thực

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra hết sức nghiêm trọng trên toàn cầu, việc đảm bảo đủ lương thực cho tất cả người dân là một trong những thách thức lớn mà nhiều nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) phải đối mặt.

Vì vậy, trong những năm gần đây, hợp tác để đảm bảo an ninh lương thực luôn được đề cao trong các hoạt động của APEC. Các nền kinh tế APEC đã đề xuất và thực hiện thành công nhiều sáng kiến về an ninh lương thực. Và với các sáng kiến mới nhất mà Việt Nam đưa ra trong Năm APEC 2017, nhiều người kỳ vọng APEC sẽ có bước tiến mới trong việc đối phó với thách thức này.

Khai mạc Hội nghị Quan chức cao cấp APEC lần thứ nhất (SOM 1) sáng 2/3 tại Nha Trang (Khánh Hòa). Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Mối lo không của riêng ai

Theo Liên Hợp Quốc (UN), năm 2009, lần đầu tiên trong lịch sử loài người, số lượng người thiếu lương thực trên thế giới đã vượt ngưỡng 1 tỷ người. Trong bối cảnh dân số thế giới được dự báo sẽ tăng từ 7,2 tỷ người hiện nay lên 9,6 tỷ người vào năm 2050, để đáp ứng được nhu cầu lương thực vào thời điểm đó, sản lượng lương thực toàn cầu sẽ phải tăng thêm 70%. Điều này đang đặt ra thách thức không hề nhỏ cho thế giới trong việc đảm bảo an ninh lương thực.

Đối với khu vực APEC, nơi hiện chiếm khoảng 40% dân số thế giới, mặc dù tỷ lệ người thiếu lương thực đã giảm còn 24% trong giai đoạn 1990-2006 nhưng các nghiên cứu mới nhất cho thấy đảm bảo đủ lương thực cho người dân vẫn là một vấn đề lớn đối với hầu hết các nền kinh tế thành viên.

Nguyên nhân chủ yếu là do khu vực châu Á-Thái Bình Dương thường xuyên phải đối mặt với các thảm họa do thiên tai gây ra như mất mùa hay gián đoạn nguồn cung lương thực. Các số liệu thống kê chính thức cho thấy khu vực này phải hứng chịu 70% thiên tai trên thế giới. Phần lớn các nền kinh tế APEC đều nằm trên “Vành đai lửa Thái Bình Dương” và do vậy hứng chịu 90% các trận động đất trên toàn cầu.

Mặt khác, sản xuất nông nghiệp gặp không ít khó khăn do tác động tiêu cực của hiện tượng biến đổi khí hậu, tình trạng thiếu nước và vấn đề đô thị hóa, trong khi đầu tư công vào lĩnh vực nông nghiệp lại đang có xu hướng giảm.

Tuyên bố Niigata

Nhận thức rõ thách thức mà các nền kinh tế APEC đang phải đối mặt, tháng 10/2010, các bộ trưởng phụ trách về an ninh lương thực của APEC đã nhóm họp lần đầu tiên ở Niigata (Nhật Bản) và thông qua Tuyên bố Niigata về an ninh lương thực. Đây được coi là kế hoạch toàn diện đầu tiên của APEC nhằm thúc đẩy các nỗ lực đảm bảo an ninh lương thực bền vững trong khu vực.

Theo Tuyên bố Niigata, các nền kinh tế APEC dễ tổn thương trước các rủi ro về an ninh lương thực mà ví dụ điển hình là các cuộc biểu tình và bạo động diễn ra trong giai đoạn giá cả lương thực tăng cao vào các năm 2007 và 2008. Vì vậy, các bộ trưởng APEC khẳng định với tư cách là một diễn đàn có tầm ảnh hưởng lớn về hợp tác kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, APEC đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện an ninh lương thực khu vực và toàn cầu.

Trong Tuyên bố Niigata, các bộ trưởng APEC đã chỉ ra hai mục tiêu mà các nền kinh tế APEC sẽ theo đuổi gồm: Phát triển nông nghiệp bền vững; Tạo thuận lợi cho đầu tư, thương mại và thị trường, đồng thời chỉ rõ các biện pháp để thực hiện các mục tiêu đó.

Tuyên bố Niigata nhấn mạnh để đối phó với sự mất cân đối về cung-cầu lương thực do dân số và thu nhập tăng, cần phải tăng cường năng lực cung cấp lương thực, đối phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và phục hồi, phát triển khu vực nông thôn.

Mặt khác, để đảm bảo an ninh lương thực, không thể thiếu sự phân phối lương thực ổn định, hiệu quả và công bằng. Các nền kinh tế thành viên APEC cần phải hợp tác xúc tiến thương mại nông sản, đảm bảo sự tin cậy của thị trường, chuẩn bị môi trường kinh doanh thuận lợi và đảm bảo an toàn thực phẩm, đồng thời cần xúc tiến đầu tư một cách có trách nhiệm vào lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, bảo vệ bản quyền.

Và những bước tiến của APEC

Kể từ sau thành công của Hội nghị Bộ trưởng APEC về An ninh Lương thực (AMMFS) lần thứ nhất ở Niigata, các bộ trưởng APEC đã nhóm họp định kỳ hai năm một lần. Tại mỗi hội nghị, các bộ trưởng APEC đều thông qua các kế hoạch hành động mới về an ninh lương thực.

Đáng chú ý, trong khuôn khổ Năm APEC 2014 ở Trung Quốc, các quan chức cấp cao APEC đã thông qua Lộ trình An ninh Lương thực APEC hướng tới năm 2020; trong đó đặt ra mục tiêu dài hạn là xây dựng cơ cấu hệ thống lương thực khu vực đủ để đảm bảo an ninh lương thực bền vững cho các nền kinh tế thành viên, nâng cao năng suất và cung cấp lương thực ở mức giá có thể chi trả cho những người có thu nhập thấp.


Ngoài AMMFS, năm 2011, APEC đã thành lập diễn đàn Đối tác Chính sách về An ninh Lương thực (PPFS) để tăng cường sự phối hợp giữa Hội đồng Cố vấn Kinh doanh APEC (ABAC), khu vực tư nhân và các bên liên quan trong nỗ lực đảm bảo an ninh lương thực khu vực một cách thực chất hơn.

Mặt khác, một số ủy ban và nhóm công tác của APEC cũng thường xuyên nhóm họp để thảo luận về các chủ đề liên quan tới an ninh lương thực, gồm Ủy ban Thương mại và Đầu tư (CTI) và các tiểu ban trực thuộc như Diễn đàn Hợp tác An toàn Thực phẩm (FSCF), Nhóm công tác về Hợp tác Kỹ thuật Nông nghiệp (ATCWG), Nhóm Công tác về Đại dương và Nghề cá (OFWG) và Đối thoại chính sách cấp cao về Công nghệ Sinh học Nông nghiệp (HPLDAB).

Năm 2017, mặc dù AMMFS không nhóm họp nhưng với tư cách chủ nhà, Việt Nam vẫn lựa chọn “tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu” là một trong 4 chủ đề ưu tiên nhằm giúp các nền kinh tế APEC ứng phó hiệu quả hơn các tác động ngày càng gay gắt của biến đổi khí hậu.

Và để cụ thể hóa chủ đề ưu tiên đó, tại diễn đàn Đối tác Chính sách An ninh lương thực ( PPFS) ở Nha Trang hồi tháng 2/2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã đưa ra ba sáng kiến gồm: Kế hoạch hành động để thực hiện Chương trình APEC về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu; Tuyên bố Cần Thơ về tăng cường phát triển bền vững và an ninh lương thực thích ứng với biến đổi khí hậu; Kế hoạch hành động để thực hiện Khung chiến lược của APEC về phát triển thành thị-nông thôn nhằm củng cố an ninh lương thực và tăng trưởng chất lượng.

Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đưa ra hai đề xuất gồm: “Phát triển kinh doanh nông nghiệp để hỗ trợ chuyển đổi lao động nông thôn tại các nền kinh tế thành APEC” và “Thích ứng biến đổi khí hậu: Tác động tới Chiến lược an ninh lương thực”.

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN bên lề diễn đàn, ông Trần Kim Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chủ tịch PPFS, cho biết trong quá trình xây dựng sáng kiến và đề xuất, các nền kinh tế thành viên APEC đánh giá cao nước chủ nhà Việt Nam trong việc đưa ra các sáng kiến và đề xuất đúng trọng tâm, sự chuẩn bị chu đáo các tài liệu liên quan để triển khai hiệu quả PPFS.

“Điều này tạo tiền đề chuẩn bị cho các hoạt động tiếp theo của Năm APEC Việt Nam 2017; trong đó có Đối thoại Chính sách Cấp cao về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu tại Cần Thơ vào tháng 8/2017”, ông Long nói.
Đào Tùng (TTXVN)
APEC 2017: Tạo nền tảng phát triển thương mại Việt Nam- Brunei
APEC 2017: Tạo nền tảng phát triển thương mại Việt Nam- Brunei

Năm 2017 là dấu mốc quan trọng kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Brunei, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN