Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Tận dụng tối đa nguồn nước cho vụ Đông Xuân

Sáng 28/12, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì Hội nghị triển khai giải pháp đảm bảo cấp nước gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2019 – 2020 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đây là vụ có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định sản lượng lương thực của vùng trong cả năm. Năm nay, tình hình lấy nước được đánh giá là rất khó khăn trong bối cảnh các nguồn nước đầu nguồn đều thấp hơn từ 30 - 55% so với trung bình mọi năm; toàn bộ khu vực hạ lưu đáy sông biến dạng, tụt đáy ngày càng thấp khiến các trạm bơm không thích ứng được như trước.

“Năm nay ải rất tốt, các bộ giống cũng vậy, nhưng nếu không giải quyết được việc lấy nước thì sẽ rất khó khăn, do vậy cần khắc phục bằng các biện pháp kỹ thuật hiệu quả, hoạt động hết công năng để làm sao rút ngắn được thời gian lấy nước được bao nhiêu thì càng tốt. Các tỉnh phải vận dụng sáng tạo, chỉ đạo điều hành đảm bảo tiết kiệm điện phục vụ lấy nước tối đa, cần chung tay với ngành điện chứ không chỉ lo mỗi cho sản xuất nông nghiệp”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cùng với đó, từng tỉnh, từng đơn vị xây dựng chi tiết kế hoạch trong hệ thống bơm, hút, chứa, nạo vét, tận dụng tối đa nguồn nước tại chỗ; một số tỉnh như Hà Nam, Nam Định… tận dụng tối đa lượng nước hồi quy, nhất là sau đợt 2; các công ty khai thác công trình thủy lợi làm nòng cốt tư vấn cho chính quyền để có kế hoạch điều hành tổng thể việc lấy nước.

Về kỹ thuật sử dụng nước, Bộ trưởng chỉ đạo năm nay đợt 1 và đầu đợt 2 phải dùng biện pháp phá ải để giữ nước, nước vào đến đâu bừa luôn đến đó. Toàn bộ quy trình gieo mạ tập trung, cấy là chính, không gieo sạ nhiều vì tốn nước; sử dụng giống ngắn ngày phù hợp với từng nơi…

“Năm nay có đặc điểm ăn Tết xong mới vào vụ cấy, nhưng phải chuẩn bị thật kỹ để tập trung cao độ từ sau lập Xuân mùng 4 tháng 2 cho đến kết thúc trước ngày 28/2. Cố gắng phấn đấu chỉ có 15, 20 ngày phải xong hết diện tích thì như vậy không chỉ góp phần tiết kiệm nước mà đây còn là biện pháp canh tác tốt để đạt năng suất cao nhất”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo về công tác điều tiết nước tại các hồ chứa thủy điện và tình hình cung cấp điện đảm bảo lịch lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân năm 2019 - 2020. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, tính đến hết ngày 24/12/2019, tổng lượng nước tích được ở các hồ chứa trên lưu vực sông Hồng là 11,3 tỷ m3, tương ứng với 60% dung tích hữu ích (thiếu hụt khoảng 7,6 tỷ m3); trong đó, các hồ trực tiếp vận hành xả nước vụ Đông Xuân tích được 5,7 tỷ m3, tương ứng 57,3% dung tích (thiếu hụt khoảng 4,23 tỷ m3),

Theo tính toán của EVN, nếu xả nước như yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì tổng lượng nước xả từ các hồ thủy điện trong 3 đợt khoảng 4,3 tỷ m3. Sau đổ ải mức nước hồ Hòa Bình giảm từ 101,6 m về 83,17 m (cách mực nước chết 3,17m, dung tích còn lại 342 triệu m3, tương đương 5,7% dung tích hữu ích). Hồ Thác Bà giảm từ 53,6m về 48,93m (cách mực nước chết 2,93 m, dung tích còn lại 388 triệu m3, tương đương 18,2% dung tích hữu ích). Hồ Tuyên Quang giảm từ 116,5m về 93,56m (cách mực nước chết 3,56m, dung tích còn lại 142 triệu m3, tương đương 8,4% dung tích hữu ích).

Với tình hình nguồn nước như trên, ông Nguyễn Quốc Chính, Phó Trưởng Ban Kỹ thuật - Sản xuất EVN cho biết, tập đoàn cũng đã có một số giải pháp để đảm bảo nguồn điện và nước cho các đợt đổ ải. Cụ thể, chỉ đạo các đơn vị điện lực chủ động kiểm tra, sửa chữa lưới điện cấp nước cho các trạm bơm; trong thời gian đổ ải tăng cường chế độ trực vận hành, chuẩn bị đầy đủ vật tư và thiết bị dự phòng xử lý nhanh trong tình huống xảy ra sự cố. Huy động tối đa các nguồn điện để giữ nước sông Đà chuẩn bị cho đổ ải…

EVN cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo các địa phương trong việc đổ ải, tập trung tối đa lượng nước xả, xem xét giảm số ngày xả lấy nước trong đợt 2 và giảm mức nước yêu cầu cho các đợt còn lại để tiết kiệm lượng nước trữ trong hồ phục vụ các nhu cầu kinh tế - xã hội vào mùa khô năm 2020.

“Về lâu dài, thực hiện các giải pháp tổng thể về công trình để trong thời gian tới các địa phương có thể chủ động hoàn toàn việc lấy nước phục vụ các nhu cầu kinh tế - xã hội mà không cần phải thực hiện các đợt xả nước tăng cường từ các hồ chứa điện”, ông Chính nói.

Tại hội nghị, đại diện các địa phương trong vùng cho biết cũng đều đã chủ động các phương án để thực hiện việc lấy nước hiệu quả nhất. Như tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tập trung lấy nước ngay từ đợt đầu. Tỉnh có 2 trạm bơm sâu với công suất 50.000 m3/giờ nên không quá phụ thuộc vào việc xả nước từ hồ Hòa Bình.

Đối với tỉnh Phú Thọ xác định có khoảng 650 ha có nguy cơ hạn nặng, mực nước tại sông Lô, sông Thao cũng đang ở mức thấp so với mọi năm. Do vậy, tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch chống hạn và cấp nước cho mùa khô, chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị các biện pháp để lấy nước tiết kiệm, hiệu quả.

Ông Trần Quốc Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ chia sẻ: “Nếu các trạm bơm để bơm được theo cao trình thiết kế chỉ đạt được 30% số máy, còn lại phải sử dụng các biện pháp để khắc phục. Đến nay chúng tôi đã chủ động lắp đặt các trạm bơm dã chiến ven các sông, và hạ thấp bể hút, nối thêm ống dài để có thể lấy nước khi nước sông ở mức thấp”.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các địa phương chủ động lấy nước không phụ thuộc vào 3 đợt lấy nước, tích vào ao hồ chứ không đợi đợt 2 nhiều nước mới lấy. Các địa phương cố gắng đổ ải, lấy nước, gieo cấy cùng lúc. Bộ cũng sẽ thành lập các đoàn đi kiểm tra trực tiếp tại các địa phương trong việc lấy nước.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh cho biết kế hoạch lấy nước gồm 3 đợt, tổng cộng 18 ngày (Đợt 1 gồm 4 ngày từ 20 - 23/1/2020, Đợt 2 gồm 8 ngày từ 5 - 12/2/2020, Đợt 3 gồm 6 ngày từ 19 - 24/2/2019). Trong thời gian lấy nước mực nước tại Trạm Thủy văn Hà Nội được duy trì trong đợt 1 từ 1,6 m trở lên, đợt 2 từ 2 m trở lên và đợt 3 từ 1,4 m trở lên.

Theo đó, các địa phương bảo đảm đủ nước phục vụ gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất, tập trung gieo cấy trà Xuân muộn với thời gian sau tiết Lập Xuân (ngày 4/2/2020), kết thúc gieo cấy ngày 28/2/2020. Đợt 1 lấy nước kết thúc vào ngày 23/1/2020, tức ngày 29/12 âm lịch. Ưu tiên lịch lấy nước thuận lợi hơn cho các địa phương thường gặp khó khăn về nguồn nước là các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và thành phố Hà Nội.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, vụ Đông Xuân 2019 - 2020, vùng Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ gieo trồng hơn 528.000 ha; trong đó diện tích gieo cấy lúa có nguy cơ khó khăn về lấy nước khoảng 7.400 ha, tập trung chủ yếu ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Bắc Ninh; diện tích có nguy cơ bị hạn, rất khó khăn về lấy nước khoảng 3.700 ha.

Hoàng Tùng (TTXVN)
Sẵn sàng các phương án lấy nước vụ Đông Xuân
Sẵn sàng các phương án lấy nước vụ Đông Xuân

Chưa năm nào như năm nay mực nước ở các hồ chứa thủy điện lớn ở miền Bắc xuống thấp kỷ lục kể từ khi thủy điện Hòa Bình đưa vào khai thác. Để phục vụ gieo cấy lúa Đông Xuân 2019 - 2020 cho khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ, các hồ thủy điện sẽ phải xả nước để đảm bảo cho lưu vực 18 ngày lấy nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN