Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nắm bắt cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu gạo

Tại cuộc họp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình xuất khẩu gạo sáng 6/7, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh: "Thời cơ đã đến và không chờ đợi chúng ta, cần nắm bắt cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu gạo".

Chú thích ảnh
Xuất khẩu gạo đang thuận lợi. Ảnh: TTXVN

Tại cuộc họp, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, triển vọng ngành gạo được đánh giá là tương đối tích cực trong 6 tháng cuối năm do sản lượng gạo tại nhiều quốc gia sản xuất tại châu Á đứng trước nguy cơ sụt giảm trước tác động của El Nino, điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu cũng như giá gạo trên thị trường quốc tế. 

Theo Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường, khối lượng gạo xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2023 đạt 4,27 triệu tấn với 2,3 tỷ USD, tăng 22,2% về khối lượng và tăng 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 539 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2022. 

Đánh giá về thị trường xuất khẩu gạo, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Trung Quốc có sự tăng trưởng tốt từ khi mở cửa thị trường sau dịch COVID-19. Indonesia bắt đầu nhập khẩu gạo trở lại nên xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường này có mức tăng trưởng mạnh trên 1.498%.

Hiện xuất khẩu gạo đang thuận lợi, đặc biệt cuối năm bởi các thị trường lớn vẫn mua mạnh như Trung Quốc, Philippines, Malaysia… Điển hình vài ngày tới, Indonesia tiếp tuc mở thầu 300.000 tấn và dự kiến sẽ liên tục mở thầu. Điều này sẽ làm cho giá gạo các nước sẽ tăng, ít nhất là không giảm, bà Bùi Thị Thanh Tâm cho biết.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nhập khẩu 1,3 triệu tấn lúa và gạo; trong đó nhập khẩu từ Campuchia nhiều nhất với 1 triệu tấn lúa; tiếp đến là Ấn Độ với gạo trắng và tấm…

Bà Tâm chia sẻ, giá lúa hiện nay ở mức cao. Giá lúa vụ Hè Thu còn cao hơn vụ Đông Xuân và đây là điều lạ. Trong khi đó, đầu vào cho sản xuất giảm hơn so với năm 2022 nên nông dân có lợi nhuận tốt hơn.

Về tình hình thế giới, theo ông Lê Thanh Hòa, thương mại gạo toàn cầu năm 2023 giảm 275.000 tấn xuống còn 55,4 triệu tấn, giảm 1% so với năm 2022. Trong số đó, xuất khẩu giảm tại Argentina, Brazil, Myanmar, Trung Quốc, Pakistan và Mỹ được bù đắp bởi các lô hàng tăng từ Australia, Campuchia, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam.

Nhu cầu gạo còn tăng nhẹ có thể do cung ứng các nguồn lương thực khác hạn chế. Những thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc, Australia và một số thị trường mới mở ở các nước khu vực Trung Đông tạo ra cơ hội gia tăng xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao khi người tiêu dùng đang rất ưa chuộng các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam.

Trong khi đó, tại khu vực ASEAN, Việt Nam vẫn chiếm thị phần lớn tại thị trường Philippines do khách hàng đã quen với chất lượng gạo Việt và gạo Việt Nam có lợi thế về logistics hơn so với các nguồn cung khác. Bên cạnh đó nhu cầu tại các thị trường truyền thống như Indonesia tăng trở lại; Trung Quốc đã mở cửa thị trường sau dịch COVID-19, nhu cầu nhập khẩu dự báo quay trở lại như các năm

Dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam được nâng lên do xuất khẩu sang Philippines, Trung Quốc và Indonesia cao hơn dự kiến, ông Lê Thanh Hòa cho hay.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kế hoạch sản xuất cả năm 2023 sẽ gieo trồng 7,1 triệu ha, năng suất trung bình ước đạt 60,7 tạ/ha. Sản lượng dự kiến 43,11 triệu tấn, tăng 0,4 triệu tấn so với năm 2022.
     
Đến nay, diện tích lúa đã gieo cấy khoảng 5,4 triệu ha (tương đương 76,6% kế hoạch), diện tích còn lại 1,65 triệu ha lúa (lúa Thu Đông tại Đông bằng sông Cửu Long và lúa Mùa) dự kiến sẽ gieo cấy xong trong tháng 10/2023.

Diện tích đã thu hoạch đến nay khoảng 3,3 triệu ha (đạt 46,8% kế hoạch), sản lượng đã thu được khoảng 21,8 triệu tấn (trong đó vụ Đông Xuân 2022 - 2023 khoảng 20 triệu tấn, vụ Hè Thu 2023 khoảng 1,8 triệu tấn). Dự kiến, diện lúa còn lại 3,75 triệu ha (tương đương với sản lượng 21 triệu tấn) sẽ được thu hoạch từ nay đến cuối năm 2023 và tháng 1/2024.

Với tình hình hiện nay sản xuất được bao nhiêu, tiêu thụ hết bấy nhiêu, bà Tâm cho biết, hiện Tổng cục Dự trữ nhà nước cũng mở thầu gạo dự trữ nên nhu cầu gạo càng cao. Do đó, bên cạnh đảm bảo thành tích cuối năm cũng cần tính đến an ninh lương thực quốc gia và hàng tồn kho cho đầu năm 2024.

Về nhu cầu vốn cho sản xuất, xuất khẩu gạo, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Long cho biết, doanh nghiệp lúa gạo được vay vốn trung - dài hạn chưa được nhiều, chủ yếu vốn ngắn hạn để thu mua khi vào vụ. Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành nên có chính sách ưu đãi hơn cho đầu tư dài hạn. Vì bản chất nâng cao giá trị lúa gạo nằm ở cả chuỗi giá trị, từ khâu trồng, sản xuất, thu mua đến sấy, bảo quản, chế biến sau thu hoạch. 

Với vốn ngắn hạn, ông Trương Sỹ Bá cho rằng, các ngân hàng nên có chính sách kịp thời cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bởi khi vào vụ thu hoạch mà lãi suất cao thì doanh nghiệp sẽ “rón rén” trong thu mua. Nếu lãi suất hợp lý thì doanh nghiệp sẽ hành động mạnh dạn, hành động sớm hơn trong thu mua. “Lãi suất là rào cản lớn đối với doanh nghiệp trong hành động thu mua”, ông Trương Sỹ Bá nhấn mạnh.

Thực hiện Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đến năm 2030 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 610/CĐ-TTg ngày 03/7/2023 về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo, ông Lê Thanh Hòa cho rằng, cần rà soát, cập nhật các tiêu chuẩn trong chuỗi giá trị gạo phù hợp với thị trường quốc tế. Đồng thời cập nhật thông tin, hỗ trợ sản xuất theo nhu cầu thị trường, thị hiếu tiêu dùng; hỗ trợ bảo quản, chế biến, chất lượng, an toàn, truy xuất nguồn gốc. Nghiên cứu, xây dựng trình ban hành Nghị định quản lý về thương hiệu nông sản (trong đó có sản phẩm gạo).

Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đẩy nhanh việc xây dựng Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long” và sớm trình Chính phủ ban hành Đề án “Phát triển hệ thống logistics nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2050”.

Trước nhu cầu thế giới về gạo đang cao, trong khi các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng lúa gạo, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ sẽ sớm làm việc với Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành khác để có cuộc họp nhằm nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt cơ hội từ thị trường hiện nay.

Cùng với đó là tìm ra các cơ chế, chính sách để hỗ trợ cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị, đảm bảo gia tăng về giá trị hơn gia tăng về số lượng. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết sản xuất gạo chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu, chủng loại gạo xuất khẩu nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phù hợp với Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đến năm 2030, cũng như Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay.

Bích Hồng (TTXVN)
Thị trường nông sản, năng lượng hồi phục tích cực
Thị trường nông sản, năng lượng hồi phục tích cực

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến hết sức sôi động trong phiên tối qua, sau khi Sở Chicago và Sở ICE US giao dịch trở lại sau nghỉ lễ. Chốt ngày, chỉ số MXV-Index tiếp tục tăng 0,76% lên 2.193 điểm. Lực mua chủ yếu đến từ nhóm nông sản và năng lượng với nhiều mặt hàng ghi nhận các mức tăng ấn tượng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN