Theo đó nếu như năm 2021 nợ công ở mức 43,1% GDP thì đến đầu năm 2024 nợ công giảm xuống chỉ còn 37% GDP, trong khi dư địa Quốc hội giao Chính phủ điều hành là 60%GDP.
Bộ trưởng cho biết, trên bình diện quốc tế, mức dư nợ này thấp hơn nhiều so với mức trung bình năm 2023 của các quốc gia có mức xếp hạng tín nhiệm BB là 52,8% GDP và BBB là 54,9% GDP, trong khi mức tín nhiệm của Việt Nam còn thấp hơn 1 bậc so với mức tín nhiệm BBB.
Cùng với đó, thời gian qua, cơ cấu nợ được thực hiện tích cực. Theo đó, dư nợ trong nước tăng lên, chiếm khoảng 71% dư nợ Chính phủ. Nợ nước ngoài đang giảm dần trong cơ cấu vay của Chính phủ. Danh mục nợ nước ngoài hiện hành chủ yếu vẫn là các khoản vay kỳ hạn dài, lãi suất ưu đãi. Điều này góp phần tăng tính bền vững nợ trước biến động tỷ giá của các ngoại tệ mạnh trên toàn cầu. Việc Tổ chức Xếp hạng Tín nhiệm Fitch nâng hạng Việt Nam từ mức BB lên mức BB+ vào tháng 12/2023 sau khi Tổ chức Moody’s và S&P nâng hạng Việt Nam từ Ba3 lên Ba2 và BB lên BB+ trong năm 2022 đều có dấu ấn từ kết quả củng cố tài khóa và kiểm soát nợ công.
Bộ trưởng cho rằng với mức nợ thấp so với trần như hiện nay và cơ cấu nợ thuận lợi, Việt Nam còn khoảng dư địa lớn để huy động nợ công phục vụ các công trình hạ tầng thiết yếu và các công trình hạ tầng kiến tạo cho sự phát triển trong tương lai. Nhưng những công trình đó phải phát huy hiệu quả cao nhất và đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế ở mức tối đa.
“Quan điểm của chúng tôi là chỉ vay khi trả được nợ và chỉ vay khi chúng ta thực hiện các công trình, dự án hiệu quả nhất để mang lại sự đột phá cho sự phát triển kinh tế đất nước”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Để quản lý nợ công theo hướng bền vững, Bộ Tài chính cho biết tiếp tục tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nợ công, công khai thông tin nợ công, không ngừng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quản lý nợ công.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn vay công và cơ cấu lại nợ công, Bộ Tài chính đã linh hoạt, chủ động triển khai việc huy động vốn theo yêu cầu tiến độ giải ngân đầu tư công, theo hướng tăng các nguồn vay trong nước với lãi suất thấp, ưu đãi, thời gian vay dài, sử dụng vượt thu ngân sách để trả nợ gốc, giảm áp lực nợ công. Đồng thời, việc vay mới chỉ triển khai sau khi đánh giá kỹ tác động đến an toàn nợ công và chỉ sử dụng cho các công trình có hiệu quả kinh tế cao, hiệu quả xã hội cao, chỉ vay trong khả năng trả nợ.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng tích cực đẩy mạnh quảng bá nhà đầu tư, triển khai có hiệu quả việc xếp hạng tín nhiệm quốc gia, góp phần giảm chi phí huy động vốn vay của Chính phủ theo lộ trình cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030. Từ năm 2021 đến nay, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm liên tục nâng triển vọng tín nhiệm, nâng bậc tín nhiệm của Việt Nam. Đến nay, Việt Nam còn cách 2 bậc đối với thang điểm của tổ chức Moody’s và cách 1 bậc đối với thang điểm của tổ chức S&P và Fitch để đạt mức Đầu tư.
Theo Bộ trưởng, việc nâng bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam là điểm sáng cần ghi nhận, thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về các nỗ lực của Việt Nam trong việc xếp hạng tín nhiệm cũng như chỉ đạo, điều hành của Chính phủ về kinh tế vĩ mô, tài khóa, nợ công và ngân hàng-tiền tệ.
“Việc nâng bậc tín nhiệm sẽ tác động tích cực trở lại toàn bộ nền kinh tế và góp phần tạo thuận lợi cho Việt Nam trong huy động vốn trên thị trường với mức chi phí-rủi ro phù hợp”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.