Thưa Bộ trưởng, trong năm 2019, ngành tài chính sẽ có những giải pháp gì để hoàn thành tốt các mục tiêu về nhiệm vụ tài chính ngân sách, hướng tới hoàn thành kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016 - 2020?
Năm nay, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung hoàn thiện thể chế theo kế hoạch đã đề ra; thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính, hiện đại hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực tài chính, trọng tâm là lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc Nhà nước, góp phần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác; thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước đã đề ra; quyết liệt thu ngân sách; quản lý, điều hành chi ngân sách theo dự toán, chặt chẽ, tiết kiệm.
Ngành tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về thuế theo hướng mở rộng cơ sở thuế, chống xói mòn nguồn thu, cơ cấu lại nguồn thu, tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương; phấn đấu tăng thu 5% so với dự toán Quốc hội giao và đạt tỷ lệ động viên ở mức 23,5% GDP. Điều hành chi ngân sách Nhà nước theo dự toán, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, tăng cường thực hành tiết kiệm; siết chặt kỷ cương, kỷ luật ngân sách. Kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách Nhà nước và nợ công; đến cuối năm 2019 dư nợ công khoảng 61% GDP.
Ngành tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, biên chế, hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế hoạt động tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập , thúc đẩy lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước đã đề ra.
Thực hiện quản lý theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước đối với các mặt hàng quan trọng, Nhà nước còn định giá, bình ổn giá. Đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển đồng bộ thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, bảo hiểm; nâng cao chất lượng dịch vụ tài chính, kế toán, kiểm toán; đẩy mạnh phát triển thị trường phái sinh, trái phiếu doanh nghiệp và các sản phẩm mới.
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2018 cho thấy, số thu vượt dự toán năm nay chủ yếu từ các nguồn thu về nhà, đất và dầu thô trong khi 3 khu vực quan trọng khác lại thấp. Bộ trưởng có lo lắng về tình trạng này không và đâu là nguyên nhân của các vấn đề trên?
Thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018 theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, với quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2018 được giao, ngay từ đầu năm ngành tài chính đã chỉ đạo triển khai các giải pháp quản lý thu, khai thác nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế; tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế; đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; quyết liệt xử lý thu nợ thuế..., nhờ đó thu ngân sách Nhà nước năm 2018 đã hoàn thành nhiệm vụ kép, đó là thu ngân sách Nhà nước vượt khoảng 7,8% và thu ngân sách Trung ương vượt 4,2% dự toán.
Kết quả này cũng cho thấy cơ cấu thu ngân sách ngày càng bền vững hơn, tỷ trọng thu nội địa năm 2018 chiếm 81% tổng thu ngân sách Nhà nước, cao hơn mức 68% bình quân giai đoạn 2011 - 2015; thu ngân sách giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu thô, xuất nhập khẩu.
Số thu ngân sách Nhà nước từ 3 khu vực kinh tế năm 2018 đã có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2017. Cụ thể: khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 4%; khu vực FDI tăng 8,8%; khu vực ngoài quốc doanh tăng 15,8%. Tính chung cả 3 khu vực tăng khoảng 10%. Như vậy, thu ngân sách từ khu vực kinh tế khá phù hợp với mức tăng trưởng kinh tế của cả nước tăng khoảng 7,08% và lạm phát tăng khoảng 3,5%, góp phần vào việc nâng cao tính bền vững của ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, số thu ngân sách Nhà nước từ 3 khu vực kinh tế đã không đạt so với dự toán đề ra. Ở đây có thể thấy, ngoài nguyên nhân dự toán thu của các khu vực này được giao ở mức phấn đấu cao để có thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy quản lý thu, chống thất thu... thì một trong những nguyên nhân chính còn do hoạt động sản xuất kinh doanh của một số lĩnh vực, ngành hàng nhìn chung còn khó khăn, thiên tai; quá trình tái cấu trúc kinh tế, xử lý nợ xấu còn chậm đã tạo áp lực lên thu ngân sách...
Nếu tính chung, tổng thu ngân sách Nhà nước từ cả 3 khu vực kinh tế và dầu thô, nhà, đất đã hoàn thành dự toán Quốc hội giao. Như vậy là, dự toán của 3 khu vực kinh tế thực tế cao hơn so với kết quả đã đạt được - mặc dù số thu đã tăng xấp xỉ 10% so với năm 2017; số không đạt của 3 khu vực này đã được bù do số tăng thu từ dầu thô, nhà, đất vượt dự toán được giao. Do đó, tổng cân đối thu ngân sách Nhà nước đã hoàn thành và vượt dự toán được Quốc hội giao.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục triển khai Nghị quyết 51/NQ-CP ngày 19/6/2017 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị để cơ cấu lại nguồn thu ngân sách và phấn đấu thực hiện mục tiêu thu nội địa của giai đoạn 2016-2020 chiếm khoảng từ 84 - 85% tổng thu ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh những thành công đã đạt được, ngành còn những khó khăn, vướng mắc gì cần phải cải thiện nhiều hơn trong thời gian tới thưa Bộ trưởng?
Thẳng thắn thừa nhận rằng, bên cạnh những kết quả đạt được thì trong điều hành vẫn còn hạn chế, yếu kém cần tiếp tục nghiên cứu khắc phục. Đó là xây dựng, thể chế chính sách vẫn còn một số trường hợp chưa đảm bảo tiến độ, phải chuyển sang năm sau; quản lý thu ngân sách Nhà nước ở một số địa bàn, lĩnh vực chưa thực sự quyết liệt, nợ thuế còn lớn; cơ cấu lại đầu tư công chưa chuyển biến rõ nét, giải ngân vốn đầu tư công chậm, hiệu quả đầu tư một số chương trình, dự án thấp.
Bên cạnh đó, tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp chậm so yêu cầu đề ra; việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật tài chính ở một số đơn vị còn chưa nghiêm, tình trạng chi sai chính sách, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức vẫn còn xảy ra ở một số cơ quan, đơn vị. Việc quản lý, sử dụng tài sản công có bước tiến bộ song có lúc vẫn còn xảy ra thất thoát, lãng phí.
Vì vậy, trong năm 2019 và các năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Quốc hội có giải pháp và bản thân ngành tài chính phải quyết liệt triển khai các giải pháp để khắc phục triệt để các yếu kém này.
Trong điều kiện các nguồn thu ngân sách khó khăn hơn trước, các biện pháp giảm chi sẽ tiếp tục được thực hiện như thế nào trong năm 2019, thưa Bộ trưởng?
Trong năm 2019 Bộ Tài chính sẽ tổ chức giao dự toán chi ngân sách Nhà nước cho các đơn vị sử dụng ngân sách khẩn trương, đảm bảo nguyên tắc phân bổ, giao dự toán chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước phải tuân thủ đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn; phân bổ tập trung, chống dàn trải; tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, các công trình cấp thiết dở dang; ưu tiên đối ứng cho các dự án ODA quan trọng, xử lý nợ đọng và thu hồi vốn ứng trước.
Đồng thời, phân bổ và giao dự toán chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính đảm bảo khớp đúng dự toán được giao cả về tổng mức và chi tiết theo từng lĩnh vực chi; đảm bảo bố trí đủ kinh phí thực hiện các chính sách, chế độ đã ban hành, những nhiệm vụ quan trọng theo quy định của pháp luật, những nhiệm vụ đã được cấp có thẩm quyền quyết định.
Ngoài ra, trong tổ chức thực hiện chi ngân sách nhà nước chỉ được chi trong phạm vi dự toán ngân sách được giao; cơ quan tài chính, Kho bạc Nhà nước tổ chức điều hành ngân sách trong phạm vi dự toán được duyệt, thực hiện kiểm soát chi chặt chẽ bảo đảm theo đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định.
Bên cạnh đó, thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, giảm mạnh kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị chặt chẽ, đúng quy định; đẩy mạnh việc thực hiện khoán sử dụng xe công; không bố trí dự toán chi cho các chính sách chưa ban hành; chỉ ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách nhà nước khi thật sự cần thiết và có nguồn bảo đảm.
Đồng thời, đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Mặt khác, tăng cường kiểm soát chi, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán ngân sách nhà nước nghiêm minh. Thường xuyên kiểm tra việc tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách ở các đơn vị, ngân sách cấp dưới; trên cơ sở đó kịp thời phát hiện, xử lý sai phạm; làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân và thực hiện chế độ trách nhiệm đối với thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách trong quản lý điều hành ngân sách khi để xảy ra thất thoát, lãng phí, sử dụng ngân sách sai chế độ, chính sách.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!