Theo đó, trong Công văn số 9494/BTC-VP của Bộ Tài chính đề cập đến 6 nội dung kiến nghị của VASEP bao gồm hoàn thuế giá trị gia tăng, áp trần chi phí lãi vay khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, chính sách thuế đối với hoạt động chế biến, không hồi tố thời gian chậm nộp thuế giá trị gia tăng khi tái nhập hàng xuất khẩu đã được hoàn thuế giá trị gia tăng bị trả về, giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương, cải tiến quy trình kiểm tra sau thông quan cho doanh nghiệp.
Cụ thể, với vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng, VASEP kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; đồng thời, kéo dài các chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất và miễn, giảm các loại phí, lệ phí cho đến hết 2023.
Theo VASEP, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu khó khăn, đơn hàng giảm sút, lượng tồn kho tăng cao, việc chậm hoàn thuế giá trị gia tăng cũng như áp lực các khoản thuế khiến doanh nghiệp cạn kiệt nguồn vốn và đuối sức trong cuộc đua bám trụ thị trường.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất; trong đó có quy định về gia hạn thời hạn nộp các khoản thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt) và tiền thuê đất.
Để kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, trình Chính phủ tiếp tục thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023 theo Nghị định số 12/2023/NĐ-CP ngày 14/4/2023 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023.
Theo đó, cho phép gia hạn 6 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng từ tháng 3 - tháng 5 /2023 và quý I năm 2023, gia hạn 5 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng của tháng 6/2023 và quý II năm 2023, gia hạn 4 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng của tháng 7/2013, gia hạn 3 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng của tháng 8/2023. Ngoài ra, gia hạn 3 tháng đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp quý I, quý II của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2023: hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân năm 2023 chậm nhất là ngày 30/12/2023; gia hạn 6 tháng đối với 50% số tiền thuê đất phát sinh phải nộp năm 2023.
Về áp trần chi phí lãi vay khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, VASEP cho rằng việc này không hợp lý, gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, cũng như dòng tiền của doanh nghiệp trong các năm đầu khi mới đầu tư. Trong khi các doanh nghiệp sản xuất là đối tượng cần được hỗ trợ về vốn để đầu tư, phát triển.
Trên cơ sở đó, VASEP đề nghị sửa đổi điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, để hủy bỏ quy định coi giao dịch đi vay giữa ngân hàng và doanh nghiệp vay dài hạn để đầu tư là giao dịch liên kết, giúp doanh nghiệp không phải bị áp trần chi phí lãi vay khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; sửa đổi quy định các đối tượng không thuộc phạm vi áp trần chi phi lãi vay tại điểm c, khoản 3 Điều 16 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP như tổ chức tín dụng, tổ chức kinh doanh bảo hiểm, công ty chứng khoán, ... để các doanh nghiệp sản xuất không phải chịu áp mức trần của tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Bộ Tài chính ghi nhận kiến nghị, đề xuất của Hiệp hội VASEP về việc xác định các bên có quan hệ liên kết trong trường hợp vay vốn ngân hàng. Hiện nay, Bộ Tài chính đang thực hiện rà soát, đánh giá việc thực hiện Nghị định số 132/NĐ-CP và sẽ tổng hợp vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của các Hiệp hội, các doanh nghiệp để nghiên cứu, đánh giá và báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 132/2020NĐ-CP trong thời gian tới.
Liên quan đến chính sách thuế đối với hoạt động chế biến, VASEP kiến nghị Bộ Tài chính đưa vào văn bản quy phạm pháp luật nhằm xác định rõ hoạt động chế biến thủy sản là “hoạt động chế biến" để thực hiện chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp theo tinh thần văn bản số 2550/BTC-TCT ngày 12/3/2021 của Bộ Tài chính về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp để thực hiện thống nhất hiệu lực, hiệu quả.
Đối với nội dung kiến nghị này, Bộ Tài chính ghi nhận ý kiến của Hiệp hội VASEP để nghiên cứu trong quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách.
Trong khi đó, với các kiến nghị khác của VASEP, Bộ Tài chính phản hồi hiện chưa đủ cơ sở xem xét hoặc đề nghị giữ nguyên theo quy định hiện hành. Cụ thể, VASEP kiến nghị Bộ Tài chính xem xét có văn bản hướng dẫn cho phép không hồi tố thời gian chậm nộp thuế giá trị gia tăng khi tái nhập hàng xuất khẩu đã được hoàn thuế giá trị gia tăng bị trả về (tính từ khi xuất khẩu lô hàng) vì gây khó khăn và làm gia tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.
Bộ Tài chính cho rằng kiến nghị này hiện nay là không phù hợp vì quy định về xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế hiện hành được thực hiện theo quy định tại Điều 59 Luật Quản lý thuế.
Cũng liên quan tới thuế, VASEP đã có công văn đề nghị Chính phủ và Bộ Tài chính xem xét giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0% để hỗ trợ ngành nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi Việt Nam.
Theo Bộ Tài chính, trước mắt vẫn thực hiện theo quy định của pháp luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hiện hành. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ rà soát các mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với các mặt hàng nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất trong nước và trao đổi ý kiến với các Bộ, ngành, Hiệp hội có liên quan để đề xuất phương án điều chỉnh cho phù hợp.
VASEP cũng kiến nghị Bộ Tài chính cải tiến quy trình kiểm tra sau thông quan cho các doanh nghiệp; trong đó giảm thiểu việc kiểm tra đối với những doanh nghiệp có qui trình vận hành tốt và không có lịch sử vi phạm các quy định về hoạt động xuất nhập khẩu.
Phản hồi nội dung này, Bộ Tài chính phân tích số cuộc kiểm tra sau thông quan đối với doanh nghiệp thuỷ sản (46 cuộc kiểm tra) trên tổng số doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu thuỷ sản (trên 2.900 doanh nghiệp) chỉ chiếm tỷ lệ chưa đến 1,6% trong thời gian hơn 2 năm trên toàn quốc. Bộ Tài chính thấy chưa có cơ sở xem xét kiến nghị của Hiệp hội VASEP về công tác kiểm tra sau thông quan đối với doanh nghiệp thuỷ sản.
Hiệp hội VASEP là một thành viên tích cực của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ. Trong những năm qua, Hiệp hội đã triển khai nhiều hoạt động phản biện chính sách, tham gia góp phần giải quyết được nhiều bất cập, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp thủy sản, đặc biệt là những quy định/thủ tục hành chính chưa phù hợp. Việc này nhằm cải thiện các vấn đề làm tăng chi phí, giảm năng lực cạnh tranh; tạo thuận lợi để doanh nghiệp phát triển và đảm bảo quyền lợi của người lao động.