Trao đổi với phóng viên TTXVN ngày 22/4 về vấn đề này, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho hay, việc quản lý giá vé máy bay căn cứ vào Luật Hàng không dân dụng và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Cụ thể, ông Trần Bảo Ngọc cho hay, giá vé trần do Bộ Giao thông Vận tải quy định tại Thông tư 17/2019/TT-BGTVT về việc ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.
“Với quy định hiện hành, các hãng không trong nước không được bán vượt giá vé trần. Hiện nay các hãng hàng không thường mở bán vé từ vài tháng trước ngày bay với nhiều dải giá khác nhau với nguyên tắc mua càng sớm giá càng rẻ, càng gần ngày đi giá càng cao. Tuy nhiên, có trường hợp ngoại lệ là mua xa thời điểm bay vẫn ở mức giá cao nhưng đến khi gần ngày khởi hành, các hãng căn cứ vào lượng vé còn lại có thể hạ giá vé để thu hút hành khách”, ông Trần Bảo Ngọc cho hay.
Cũng theo ông Trần Bảo Ngọc, hiện các hãng hàng không xây dựng dải vé từ thấp đến cao; trong đó, giá vé cao nhất có thể bằng giá vé trần theo quy định hoặc thấp hơn giá vé trần tùy vào chính sách của mỗi hãng. Hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước đang quản lý giá vé theo giá trần.
Trở lại câu chuyện vì sao giá vé dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 lại cao hơn các thời điểm khác, ông Trần Bảo Ngọc cho rằng mấu chốt là do vấn đề cung cầu. Chắc chắn thời điểm nghỉ lễ nhu cầu sẽ tăng cao. Khi đó, dải vé thấp, vé ưu đãi sẽ ít hơn các thời điểm khác. Bởi trong chiến lược kinh doanh, các hãng hàng không phải tính toán các thời điểm kinh doanh trong một năm.
Cụ thể, thời điểm ít khách, các hãng thường chấp nhận hạ giá vé để thu hút hành khách cũng như tạo thói quen cho khách hàng đi máy bay. Tuy nhiên, đến thời điểm cao điểm (nghỉ lễ 30/4, 1/5 hoặc Tết), nhu cầu đi lại lớn, thậm chí lớn hơn nhu cầu đáp ứng, giá sẽ được đẩy lên để bù lại cho giai đoạn thấp điểm trong năm nhưng bất luận thời điểm nào thì giá vé các hãng hàng không đưa ra không không được vượt quá giá trần do nhà nước quy định.
Nhấn mạnh về vai trò quản lý nhà nước về giá vé máy bay, Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc cho hay, quy trình kiểm soát giá vé được quy định cụ thể, các hãng hàng không phải kê khai giá, gửi Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt trước khi bán ra thị trường.
“Để quản lý giá vé máy bay đảm bảo đúng quy định pháp luật, vừa qua Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã phối hợp với Cục Hàng không Việt nam kiểm tra giá của các hãng hàng không”, ông Trần Bảo Ngọc thông tin.
Theo khảo sát của phóng viên TTXVN, hiện nay, giá vé khứ hồi chặng Hà Nội – TP Hồ Chí Minh trong thời gian từ 29/4 - 2/5 của các hãng bay đều tăng so với cách đây nửa tháng.
Cụ thể, trên đường bay Hà Nội - Tp. Hồ Chí Minh, nếu đặt vé đi vào chiều 30/4 giá vé mà Vietnam Airlines bán ra cao nhất là 2.999.000 đồng (chưa bao gồm thuế, phí); trong khi giá vé của Pacific Airlines vào khoảng hơn 2.000.000 đồng (chưa bao gồm thuế, phí).
Ở chiều ngược lại Tp. Hồ Chí Minh – Hà Nội giá vé của hai hãng này rẻ hơn dao động từ 1.100.000 -1.800.000 đồng (chưa bao gồm thuế, phí). Trong khi đó, cùng đường bay này, Bamboo Airways bán giá vé cao nhất là 2.600.000 đồng (chưa bao gồm thuế, phí)
Tuy nhiên, cũng trục bay này, theo phản ánh của hành khách, cách đây nửa tháng giá vé bằng khoảng 50% hiện nay. Trong khi đó, giá vé của Vietnam Airlines từ Hà Nội đi các điểm du lịch (ví dụ như Phú Quốc) như khảo sát của phóng viên ngày 22/4 tùy vào khung giờ bay thì giá cao nhất là 3.109.000 đồng (chưa bao gồm thuế, phí). Mặc dù vậy, số lượng ghế còn lại còn khá ít. Đối với đường bay Hà Nội đi Quy Nhơn (Bình Đình) nếu hành khách bay vào ngày 30/4 tới, giá vé mà Vietjet Air thông báo cao nhất lên tới 2.900.000 đồng (chưa bao gồm thuế, phí).
Theo phản ánh của chị Đàm Thị Hoa (trú tại Trung Hòa, Nhân Chính, Hà Nội), dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 chị và gia đình có nhu cầu đi du lịch. Tuy nhiên, các chuyến bay từ Hà Nội đến các điểm du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Côn Đảo... vào giờ đẹp đã hết chỗ, giá vé cũng tăng 1,5-2 lần so với ngày bình thường. Vì giá cao nên gia đình đang cân nhắc để đi sau nghỉ lễ mới đi du lịch.
Đại diện Vietnam Airlines thông tin, thời điểm hiện tại, hãng ghi nhận lượng khách đặt mua vé cao hầu hết trên tất cả các chặng bay nội địa, đặc biệt nhộn nhịp trên các đường giữa Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh đi Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc với tỷ lệ lấp đầy trong một số ngày bay cao điểm nhất lên tới 95%.
Nhằm phục vụ nhu cầu tăng cao dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, trong 6 ngày từ 28/4 đến 3/5, Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco) tiếp tục tăng tải gần 117.000 chỗ, tương ứng với xấp xỉ 570 chuyến bay nội địa, nâng tổng số cung ứng sau hai đợt tăng tải lên tới hơn 610.000 chỗ, tương ứng gần 3.200 chuyến bay.
Trước đó, từ cuối tháng 3, đầu tháng 4, Bamboo Airways cũng thông báo tăng khoảng 110-150 chuyến bay mỗi tuần, tương ứng 22.000 - 30.000 chỗ (tăng 12 - 15% so ngày thường) trên các đường bay trục, du lịch trong giai đoạn nghỉ lễ 30/4-1/5.
Ông Nguyễn Vũ Hoàng, Giám đốc Ban Tiếp thị và Truyền thông Hãng hàng không Vietravel Airlines cho biết, nhu cầu đi lại của hành khách dịp nghỉ lễ này tăng cao nên Vietravel Airlines sẽ tập trung nguồn lực, dự kiến khai thác khoảng 18 chuyến/ngày. Theo đó, trong 4 ngày cao điểm (từ 29/4-2/5), hãng phục vụ 72 chuyến bay, cung ứng hơn 11.500 vé máy bay.
Trong khi đó, hãng hàng không Vietjet Air trong tháng 4 cũng đã mở mới nhiều đường bay kết nối Phú Quốc với các tỉnh, thành như Thanh Hóa, Nha Trang, Đà Lạt, Huế và Cần Thơ. Các đường bay cũ từ Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh với Phú Quốc của hãng này đều được tăng chuyến.
Theo một chuyên gia hàng không lý giải, những ngày qua, dù các hãng hàng không đều ra thông báo tăng chuyến, mở thêm chặng bay, song do nhu cầu quá lớn, lượng vé bán ra quá nhanh, không những vé giá rẻ không còn mà nhiều chuyến bay đã hết vé.
Lãnh đạo một hãng hàng không chia sẻ, với việc dịch bệnh đang được kiểm soát tốt hiện nay, các hãng hàng không không chỉ hy vọng vào cao điểm kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 này và cả mùa hè sắp tới, giúp hãng cải thiện doanh thu trong khi chờ quyết định bay quốc tế trở lại.
Đại diện các hãng hàng không khuyến cáo, do nhu cầu đi lại tăng đột biến dễ dẫn đến tình trạng quá tải tại sân bay như Nội Bài, Tân Sơn Nhất; các hãng hàng không đề nghị hành khách thực hiện việc khai báo y tế trước chuyến bay trong vòng 24h, đồng thời đi lại sớm hơn trước 2 tiếng máy bay cất cánh.
Liên quan đến việc phòng chống dịch COVID-19, ngày 22/4, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đã ký văn bản gửi các hãng hàng không và các cảng hàng không.
Theo đó, ông Đinh Việt Thắng yêu cầu các hãng hàng không có quyền chối vận chuyển hành khách không khai báo y tế và các quy định về an toàn dịch bệnh. Trường hợp để hành khách chưa khai báo y tế theo quy định lên tàu bay, các hãng hàng không phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Cục trưởng Đinh Việt Thắng cho hay, các hãng hàng không chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức kiểm soát việc khai báo y tế của hành khách, đảm bảo hành khách khai báo y tế trước khi lên tàu bay; tuyên truyền cho hành khách thực hiện khai báo y tế khi mua vé tàu bay và khi làm thủ tục hàng không.
Cùng với đó, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu, các hãng cần bố trí nhân sự tại các quầy check-in tại nhà ga hành khách để hỗ trợ và hướng dẫn đối với hành khách khai báo y tế; phối hợp với các cảng hàng không để triển khai thông báo cho hành khách yêu cầu phải khai báo y tế trước chuyến bay trên hệ thống phát thanh tại nhà ga hành khách, hệ thống màn hình thông báo tại các cảng hàng không và qua các pano thông báo tại khu vực khách dễ quan sát như quầy làm thủ tục, khu vực an ninh soi chiếu và khu vực kiểm tra trước khi ra tàu bay...