Đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 cho các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án qua 4 đợt với tổng số 45.343 tỷ đồng, đạt 90,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
“Theo số liệu báo cáo các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, dự kiến trong tháng 7/2022, Bộ Giao thông Vận tải sẽ giải ngân khoảng 2.800 tỷ đồng. Lũy kế hết tháng 7/2022, khối lượng giải ngân đạt 19.664 tỷ đồng, đạt 45,5% kế hoạch đã giao chi tiết và đạt 39,1% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Con số giải ngân của Bộ Giao thông Vận tải cao hơn so với bình quân chung cả nước (số giải ngân bình quân của cả nước là 34,5%).
Theo đó, các dự án ODA giải ngân 2.586 tỷ đồng, cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 giải ngân 7.657 tỷ đồng, cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 giải ngân 194 tỷ đồng; các dự án quan trọng cấp bách giải ngân 1.792 tỷ đồng; các dự án thu hồi ứng trước kế hoạch giải ngân 2.863 tỷ đồng…”, ông Nguyễn Trí Đức thông tin.
Trong 7 tháng, một số đơn vị được đánh giá có kết quả giải ngân tốt, gồm: Ban Quản lý dự án Thăng Long giải ngân 3.924 tỷ đồng, đạt 57,1% so với kế hoạch.
Ban Quản lý dự án Đường sắt giải ngân 1.022 tỷ đồng, đạt 53,3%. Ban Quản lý dự án Đường thủy giải ngân 520 tỷ đồng, đạt 51,6%. Ban Quản lý dự án 85 giải ngân 681 tỷ đồng, đạt 50,1%. Ban Quản lý dự án 7 giải ngân 2.264 tỷ đồng, đạt 42,9%.
Các Sở Giao thông Vận tải có kết quả giải ngân tốt như: Sở Giao thông Vận tải Kon Tum giải ngân 193 tỷ đồng đạt 76,92%; Sở Giao thông Vận tải Phú Yên giải ngân 28 tỷ đồng, đạt 67,53%; Sở Giao thông Vận tải Hà Giang giải ngân 168 tỷ đồng, đạt 54,78%).
Bên cạnh các đơn vị có kết quả giải ngân tích cực, nhiều đơn vị có kết quả giải ngân vẫn chưa được như kỳ vọng, điển hỉnh là: Ban Quản lý dự án Hàng hải giải ngân 772 tỷ đồng (đạt 51,9%), chậm 23 tỷ đồng; Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh giải ngân 2.016 tỷ đồng (đạt 47%), chậm 230 tỷ đồng.
Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận giải ngân 1.539 tỷ đồng (đạt 41,6%), chậm 799 tỷ đồng; Ban Quản lý dự án 6 giải ngân 1.671 tỷ đồng (đạt 41,6%), chậm 137 tỷ đồng…