Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, trong các văn bản quy phạm pháp luật, mặt hàng xăng dầu được xác định là mặt hàng kinh doanh chiến lược. Xăng dầu cùng với điện, khí đốt được coi là "bánh mì" của nền kinh tế.
Trong các văn bản quy phạm pháp luật từ trước đến nay đều quy định xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Chính vì vậy, những điều kiện nêu ra tại Nghị định này là vừa bảo đảm được cơ chế thị trường, vừa phải bảo đảm cơ chế quản lý của nhà nước. Đây là lần thứ 4, Bộ Công Thương tiến hành lấy ý kiến của các bộ, ngành cả bằng văn bản và lấy ý kiến trực tiếp, đồng thời cũng là lần thứ 4 trình lên Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi từ Nghị định 83, Nghị định 95, Nghị định 80 để có được phương án hoàn hảo nhất, phù hợp nhất so với tình hình hiện nay.
Cho đến thời điểm này, theo báo cáo cáo của Ban biên soạn, Tổ biên tập, vẫn còn một số vướng mắc, mặc dù trong quá trình soạn thảo, Bộ Công Thương đã tuân thủ những quan điểm cơ bản trong Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn 2050. Đó là thực hiện cơ chế quản lý đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu nhằm hướng tới mục tiêu góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, vừa phải vận hành theo cơ chế thị trường, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh và bảo đảm sự kiểm soát của nhà nước nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, các chỉ số của nền kinh tế.
Bộ Công Thương đã tôn trọng 5 nguyên tắc cơ bản được nêu trong quá trình soạn thảo và đã được Chính phủ thông qua, bao gồm: xây dựng môi trường cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu; kế thừa những ưu điểm trong cơ chế kinh doanh xăng dầu hiện hành và bổ sung mới những quy định phù hợp với tình hình thực tiễn cả quốc tế và trong nước; giảm sự can thiệp của nhà nước vào hoạt động kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp; bảo đảm khoa học, hợp lý, khả thi, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và công tác quản lý nhà nước, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước và người dân; cắt giảm thủ tục hành chính và đẩy mạnh phân cấp phân quyền.
Về những ý kiến xung quanh dự thảo này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin, Bộ Tài chính, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước còn có ý kiến về một số nội dung như: Công bố giá xăng dầu; Cơ chế điều hành giá xăng dầu; Xử lý số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu; Nguồn kinh phí phục vụ mua thông tin giá sản phẩm xăng dầu thế giới để làm căn cứ cho các thương nhân đầu mối thực hiện tính toán; Nhiệm vụ khi nhận chuyển giao từ Bộ Tài chính.
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an cũng có ý kiến về những vấn đề: Quyền mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu; Sự cần thiết, vai trò của thương nhân phân phối trong hệ thống kinh doanh xăng dầu; Số ngày dự trữ lưu thông, cơ chế điều hành và quản lý xăng dầu dự trữ lưu thông.
Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính cũng có ý kiến về việc bổ sung biên chế để Bộ Công Thương thực hiện một số nhiệm vụ khi nhận chuyển giao từ Bộ Tài chính.
Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính - Văn phòng Chính phủ có ý kiến về thủ tục hành chính như nêu tại Phụ lục Công văn số 6718/VPCP-KTTH ngày 20/9/2024 của VPCP.
"Chúng tôi sẽ đơn giản nhất các thủ tục có thể, song vẫn phải đáp ứng các yêu cầu về quản lý nhà nước" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định: "Chúng tôi cam kết tiếp thu các ý kiến của các đại biểu. Quan điểm của Ban soạn thảo là tuân thủ các chỉ đạo của Chính phủ, cố gắng thiết kế văn bản theo hướng thị trường nhiều nhất và quản lý nhà nước tốt nhất".