Bộ Công Thương thông tin về việc được chủ động điều hành thị trường xăng dầu

Trao đổi với phóng viên chiều 15/2, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ đang bám sát tình hình thực tế để có những điều hành phù hợp, quan điểm là đảm bảo nguồn cung xăng dầu và xử lý nghiêm các doanh nghiệp nếu có hành vi găm hàng, chờ tăng giá.

Chú thích ảnh
Lực lượng Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) kiểm tra các cây xăng đóng cửa ở An Giang. Ảnh: QL.

Thưa ông, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu giá xăng được điều chỉnh sớm và linh hoạt hơn, sẽ không xảy ra tình trạng doanh nghiệp phải đóng cửa, "găm hàng chờ giá lên" vì lỗ. Quan điểm của Bộ Công Thương về vấn đề này ra sao?

Về điều hành xăng dầu, Liên Bộ Công Thương - Tài chính luôn phải bám sát nguyên tắc điều hành hài hoà lợi ích của doanh nghiệp, Nhà nước và người dân. Ngay khi nắm được tình hình Nghi Sơn, Bộ đã có chỉ đạo gửi các thương nhân đầu mối, các Sở Công Thương để trên địa bàn nắm nguồn tại chỗ và nguồn bổ sung, chỉ đạo các thương nhân đầu mối phải tăng nhập khẩu ngay. Bộ cũng làm việc với Nghi Sơn, Bình Sơn đề nghị các doanh nghiệp tăng công suất.

Đồng thời, ngay sau đó, Bộ đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ. Trong đó phân tích rõ tình hình về văn bản ngày 28/1/2022. Bộ đã kiến nghị Thủ tướng cho phép Bộ Công Thương lựa chọn thời điểm điều hành giá xăng dầu phù hợp cho kỳ điều hành tới theo quy định tại khoản 27 Điều 1 Nghị định 95. Bộ đã nắm được thông tin nguồn cung gián đoạn do ảnh hưởng, bởi giá xăng dầu thế giới tăng mạnh trong thời gian nghỉ Tết. Việc giảm áp lực phần cho các doanh nghiệp chính là điều hành sớm để bám sát giá thế giới. 

Bộ Tài chính, Bộ Công Thương trong cuộc họp Chính phủ cũng phân tích kỹ tình hình CPI tháng 1 tăng 1,94%, lạm phát cơ bản tăng 0,66%, trong khi giá xăng dầu là yếu tố cấu thành trong CPI cao. Chính phủ và liên Bộ cân nhắc để điều hành hài hoà lợi ích của người dân, doanh nghiệp, cũng như mục tiêu kiểm soát vĩ mô của Chính phủ. 

Trước đây, nếu theo Nghị định 83 không có chuyện điều hành sớm và tăng giá, nhưng tại Nghị định 95 đã có điều khoản đặc biệt là nếu tình hình ảnh hưởng lớn tới kinh tế - xã hội thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét thời điểm điều hành. 

Vấn đề thứ hai là không có chuyện sửa công thức tính giá cơ sở. Trong các yếu tố cấu thành để tính giá cơ sở, có 2 yếu tố là chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức, 2 chi phí này được thành lập, tính toán từ năm 2014. Theo phản ánh của các doanh nghiệp là chưa tính đúng, tính đủ, chưa phản ánh hết, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Vì vậy, Bộ Tài chính phải rà soát lại chi phí kinh doanh và lợi nhuận.

Vấn đề thứ ba là dự trữ lưu thông và dự trữ quốc gia. Dự trữ quốc gia cũng chỉ được sử dụng theo quy định và theo Luật Dự trữ, có chủng loại, thời gian, điều kiện để sử dụng dự trữ quốc gia. Dự trữ lưu thông là các doanh nghiệp bắt buộc phải có. Nghị định 95 đã quy định là không những thương nhân đầu mối, mà kể cả thương nhân phân phối cũng phải dự trữ lưu thông. Nghị định 95 đã thể chế hoá quy định yêu cầu các nhà máy lọc dầu phải dự trữ về dầu thô và xăng dầu thành phẩm như quy định hiện hành.

Chú thích ảnh
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương).

Ông đánh giá thế nào về hiện tượng các thương nhân đầu mối lớn và cả các đại lý có hiện tượng găm hàng mỗi kỳ tăng giá. Các đợt kiểm tra của Bộ Công Thương có chỉ mặt đặt tên được các đơn vị hay không?

Quan điểm của Bộ Công Thương là xử lý nghiêm các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở tất cả các khâu như thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, đại lý bán lẻ, nếu có hành vi găm hàng, chờ tăng giá. 

Bộ đã chỉ đạo quyết liệt tất cả các tuyến. Ở Trung ương, Bộ trưởng đã ký thành lập 3 Đoàn kiểm tra các địa phương làm; ký công văn gửi UBND các tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường phối hợp với công an, hải quan, đơn vị 389 cơ sở kiểm tra, giám sát.

Về điều hành, Nhà nước vẫn phải hài hoà lợi ích của người dân, doanh nghiệp và mục tiêu kiểm soát CPI, nên giá điều hành cũng chưa hoàn toàn có lợi cho các doanh nghiệp tại thời điểm này. Nguyên tắc chung của Bộ là yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện đúng các quy định về dự trữ, bán hàng,  không có hiện tượng găm hàng hay hạn chế bán ra, gây ảnh hưởng đến nguồn cung phục vụ sản xuất, tiêu dùng. 

Vụ Thị trường trong nước đang hỗ trợ địa phương điều tiết nguồn hàng, tuy nhiên, các địa phương phải sàng lọc thông tin, doanh nghiệp, không đề xuất hỗ trợ tràn lan. 

Thưa ông, có ý kiến nên để thời gian điều hành giá xăng dầu linh hoạt hơn, thay vì 10 ngày thì sang 3 - 5 ngày, quan điểm của ông như thế nào?

Quan điểm của cơ quan điều hành, liên Bộ Công Thương - Tài chính trước hết phải điều hành bám sát các quy định của pháp luật hiện hành, Nghị định về kinh doanh xăng dầu. Nghị định 95 đã rút ngắn thời gian điều hành từ 15 ngày xuống 10 ngày để bám sát hơn giá thế giới. Với chu kỳ 10 ngày, liên Bộ tính toán phù hợp với tập quán kinh doanh của các doanh nghiệp để tính CPI, cũng như đủ thời gian để cho cơ quan quản lý Nhà nước có cập nhật dữ liệu.

Thưa ông, tại sao nguồn cung của thị trường đã đủ như Bộ Công Thương khẳng định mà vẫn đứt đoạn thị trường? Để thiếu hàng thì Bộ Công Thương chịu trách nhiệm ra sao?

Phải khẳng định là thời điểm này tình hình tốt hơn so với cách đây 1 tuần. Tuy nhiên, việc thiếu hụt cục bộ chưa hoàn toàn được khắc phục. Bên cạnh đó, tình hình thế giới những ngày qua đang diễn biến phức tạp. Giá xăng dầu thế giới đang có biến động mạnh, ảnh hưởng tới xu hướng giá trong nước thời gian tới.

Bộ Công Thương đã tập trung chỉ đạo, tạo nguồn, điều tiết cung cầu bổ sung từ chỗ còn dư thừa đến thiếu hụt; đồng thời, đảm bảo nguồn cung phục vụ phục hồi kinh tế. 

Vậy, theo ông, bài học kinh nghiệm qua sự việc lần này là gì?

Bài học kinh nghiệm là Bộ Công Thương phải điều hành thị trường bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, người dân và Nhà nước. Cùng với đó, để đảm bảo nguồn cung, doanh nghiệp thương nhân sản xuất phải cung cấp hợp đồng đã ký kết để Bộ giám sát, đối chiếu với doanh nghiệp đầu mối và thực tế giao hàng, kế hoạch giao hàng để giao tổng nguồn nhập khẩu, đảm bảo nguồn cung xăng dầu, phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp...

Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Trang/Báo Tin tức
Chuyên gia kinh tế: Giá xăng dầu tăng sẽ tác động mạnh tới tăng trưởng và áp lực lạm phát
Chuyên gia kinh tế: Giá xăng dầu tăng sẽ tác động mạnh tới tăng trưởng và áp lực lạm phát

Chỉ trong vòng 1 tháng, giá xăng dầu ở Việt Nam đã tăng 3 lần liên tiếp. Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, khi giá xăng dầu liên tục tăng cao sẽ làm giảm hiệu quả và có thể vô hiệu hoá chính sách tài khoá cắt giảm 2% thuế VAT đang triển khai nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng và giảm áp lực lạm phát, dẫn tới không đạt được mục tiêu tăng trưởng, thất thu ngân sách nhưng lạm phát vẫn gia tăng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN