Theo Bộ Công Thương, mã cổ phiếu SAB của Sabeco đang là mã chứng khoán thu hút sự chú ý đặc biệt của giới đầu tư trên thị trường chứng khoán. Lợi thế của Sabeco là doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất ngành bia Việt Nam (40,9% thị phần tại Việt Nam), thị trường đã có mức tăng trưởng vượt trội trong nhiều năm qua.
Vận chuyển bia của Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn. Ảnh: Công Thử/TTXVN |
Nếu như buổi roadshow tại Singapore và Vương Quốc Anh ngày 24 và 27/11 là buổi “trình diễn” của chính Sabeco giới thiệu tiềm năng, thế mạnh cơ cấu tổ chức, thế mạnh, quá trình sản xuất, kinh doanh, lao động, nhân sự của doanh nghiệp này thì sáng 29/11, lần đầu tiên, Bộ Công Thương với vai trò quản lý Nhà nước sẽ công bố những thông tin quan trọng nhất tới các nhà đầu tư.
Bộ Công Thương cho biết, tại buổi công bố sáng 29/11 tại Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện Bộ này sẽ chính thức thông tin tới các nhà đầu tư số lượng cổ phần chào bán; phương thức chào bán; đối tượng được mua cổ phần; giá khởi điểm chào bán; tỷ lệ được phép mua của Nhà đầu tư nước ngoài; đơn vị tổ chức chào bán cạnh tranh; hình thức chuyển nhượng; giá chào bán dự kiến; công ty tư vấn; quan điểm của đợt thoái vốn Nhà nước tại Sabeco…. Đồng thời, Bộ sẽ giải đáp tất cả các vấn đề mà các cơ quan truyền thông, giới báo chí quan tâm và đặt câu hỏi.
Chiều cùng ngày, phía Sabeco sẽ có buổi roadshow tiếp theo dành riêng cho giới nhà đầu tư quan tâm đến mã cổ phiếu SAB. Ngoài thông tin cơ bản, ban tổ chức có các phiên họp riêng cho các nhà đầu tư để giải đáp các vấn đề nhà đầu tư quan tâm một cách chi tiết hơn. Tại buổi roadshow này, các nhà đầu tư sẽ được đại diện Sabeco giới thiệu chung về tình hình sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng khẳng định: Roadshow diễn ra ở Singapore và Vương quốc Anh đã có rất nhiều nhà đầu tư lẻ, các quỹ đầu tư và các hãng đầu tư lớn đã quan tâm tới sự kiện, đặc biệt có quỹ đầu tư có vốn hơn 1.000 tỷ USD cũng tham gia.
"Tỷ lệ vốn hóa của Tổng công ty này là 205 nghìn tỷ đồng, tức là khoảng 9 tỷ USD nên cần có các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước tham gia. Tuy nhiên, cũng cần nói là cũng có những hạn chế như quy định hiện nay, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài thì không được quá 49%. Còn trong nước thì tỷ lệ tham gia cũng không được vượt quá tỷ lệ được cho là thống lĩnh thị trường theo Luật Cạnh tranh"- ông Cao Quốc Hưng nhấn mạnh.
Được đánh giá là doanh nghiệp có lượng vốn hóa tương đối lớn nên việc thoái vốn, cổ phần hóa tại doanh nghiệp này cần có lộ trình để đảm bảo hiệu quả cao nhất cho doanh nghiệp, đảm bảo lợi ích cho Nhà nước và cho nhà đầu tư.
Đồng thời, việc bán thoái vốn Nhà nước của doanh nghiệp này cần tính đến khả năng hấp thụ vốn của thị trường, quyền lợi của người lao động, thương hiệu.... Bộ Công Thương cam kết, quá trình thoái vốn của Sabeco sẽ được thực hiện công khai, minh bạch, có sự tham gia giám sát của Bộ Công an, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước... để hạn chế sai sót.
Theo Bộ Công Thương, việc thoái vốn Nhà nước tại Sabeco được thực hiện theo nguyên tắc: Công khai minh bạch, bảo đảm lợi tích cao nhất của Nhà nước, chống tiêu cực và lợi ích nhóm. Mặt khác phải theo đúng quy luật thị trường, hiệu quả, ổn định thị trường chứng khoán; tuân thủ quy định pháp luật về doanh nghiệp, về thị trường chứng khoán và các cam kết quốc tế.
Đặc biệt, việc thoái vốn Nhà nước tại Sabeco sẽ phải đảm bảo tỷ lệ sở hữu nước ngoài theo quy định của pháp luật. Cuối cùng là đề xuất giải pháp giữ gìn và phát triển thương hiệu Bia Việt Nam.