Cụ thể, đối với 4 dự án đầu tư sản xuất phân bón của Tập đoàn Hóa chất, Bộ Công Thương cho biết: Đến thời điểm hiện nay, về cơ bản, 4 dự án nhà máy hoạt động ổn định, trừ nhà máy Đạm Ninh Bình đang dừng sản xuất để tiến hành sửa chữa lớn theo kế hoạch từ ngày 25/8/2017 đến ngày 10/10/2017.
Nhà máy Đạm Ninh Bình trong danh sách 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN |
Tuy nhiên, kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn chưa hiệu quả, chủ yếu do giá nguyên liệu vẫn cao. Từ tháng 8/2017, Công ty CP DAP Hải Phòng – Vinachem đã có lãi trong kỳ khoảng 4 tỷ đồng, tháng 9/2017 ước tính lãi 6,766 tỷ đồng. Tuy nhiên 3 đơn vị còn lại vẫn lỗ.
Trong số các dự án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thì Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi vẫn chưa vận hành sản xuất lại được do khó khăn về thu xếp chi phí để khắc phục, sửa chữa hệ thống xử lý nước thải, giá xăng dầu hiện nay đang ở mức thấp... Đến nay đã có 4 nhà đầu tư đăng ký tham gia và 1 nhà đầu tư đã nộp Hồ sơ đề xuất hợp tác kinh doanh.
Dự án Nhà máy sản xuất sơ xợi polyester Đình Vũ - PVTex vẫn chưa khởi động lại. Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) tiếp tục lỗ 26,26 tỷ đồng.
Đối với Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên (TISCO), các bên đang nỗ lực để cố gắng giải quyết dứt điểm tồn tại của 14 hợp đồng thầu phụ xong trước khi tái khởi động lại Dự án. Dự kiến thời gian hoàn thành trong Quý IV năm 2017. Về việc xây dựng phương án thoái vốn của VNSTEEL tại TISCO, sẽ trình Bộ Công Thương vào cuối tháng 9/2017.
Mỏ sắt Tiến Bộ, một trong những hạng mục quan trọng của Dự án mở rộng sản xuất Công ty gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2. |
Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và nhà máy gang thép Lào Cai (Dự án nhà máy thép Việt – Trung VTM) thì từ tháng 3/2017, hoạt động sản xuất kinh doanh bắt đầu có lãi. Ước tính lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm là 163 tỷ đồng.
Còn Dự án Nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam sẽ tổ chức bán đấu giá toàn bộ tài sản cố định và hàng hóa tồn kho của nhà máy nhưng đến nay, đã qua 2 lần tổ chức bán đấu giá đều không thành công.
Bộ Công Thương cho biết: Trong năm 2017, Bộ sẽ hoàn thành xây dựng phương án xử lý đối với từng dự án, doanh nghiệp và kế hoạch chi tiết tổ chức triển khai thực hiện, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/9/2017. Bộ Công Thương cũng sẽ làm việc với các Bộ ngành để đề xuất các cơ chế, chính sách xử lý các khó khăn, vướng mắc của các dự án, doanh nghiệp.
Đến hết năm 2018, Bộ Công Thương phấn đấu xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém đối với các dự án, doanh nghiệp và đến năm 2020 hoàn thành việc xử lý các tồn tại, yếu kém ở các dự án, doanh nghiệp. Giai đoạn từ nay đến 2020 sẽ xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác từng dự án, doanh nghiệp.