Cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, triển khai hiệu quả Chương trình làm việc năm 2024 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức soạn thảo các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, nghị quyết đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5 để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành; chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung phục vụ Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, bảo đảm chất lượng, tiến độ, nhất là những vấn đề thể chế, cơ chế, chính sách, quy định mới, thí điểm, đặc thù.
Cùng đó, chủ động, tích cực phối hợp có hiệu quả với bộ, cơ quan, địa phương liên quan trong quá trình giải quyết công việc. Đặc biệt, đẩy mạnh việc nghiên cứu, dự báo, tham mưu phục vụ điều hành kinh tế - xã hội để kịp thời có phản ứng chính sách phù hợp, hiệu quả, chủ động, thích ứng với tình hình, xu thế mới và điều chỉnh chính sách của các nước.
Theo thẩm quyền hoặc báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung ngay những quy định chưa phù hợp với thực tiễn để vừa bảo đảm tính hiệu quả, tuân thủ trong giải quyết công việc, vừa khuyến khích cán bộ, công chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Bộ trưởng cũng lưu ý các đơn theo dõi bám sát việc triển khai các cơ chế, chính sách đã ban hành, việc thực hiện những nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cấp có thẩm quyền giao để đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm chất lượng và tiến độ công việc.
Đồng thời, chỉ đạo lực lượng chức năng rà soát, nắm tình hình, phát hiện những dấu hiệu tiêu cực, bất thường trong thực thi nhiệm vụ, nhất là đối với những lĩnh vực dễ phát sinh sai phạm, tham nhũng, để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, không có ngoại lệ, không có vùng cấm.
Bên cạnh đó, các đơn vị tiếp tục triển khai hiệu quả việc cải cách thủ tục hành chính; tập trung cấu trúc lại quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trên cơ sở liên thông điện tử, tái sử dụng dữ liệu để cung cấp các dịch vụ công trực tuyến liên thông toàn trình theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tạo sự chuyển biến thực chất trong việc cung cấp dịch vụ công, giảm phiền hà, thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Đối với Cục Công nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu chủ động, tích cực làm việc với các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp để theo thẩm quyền tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, nhất là các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, giày và các ngành công nghiệp nền tảng như cơ khí, ô tô, thép...
Mặt khác kiến nghị, đề xuất Thủ tướng Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ nhằm khuyến khích mở rộng sản xuất, kinh doanh, kích cầu tiêu dùng, khôi phục và phát huy đà tăng trưởng của công nghiệp tại các địa phương và vùng kinh tế trọng điểm, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của cả nước.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Cục Điều tiết điện lực chủ động phương án cung ứng, truyền tải, điều tiết nguồn điện, dự phòng nguồn cung và ứng phó với các kịch bản vận hành cực đoan có thể xảy ra, bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, tuyệt đối không để thiếu điện; hằng tháng báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà để kịp thời xem xét, chỉ đạo.
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách thí điểm việc đầu tư nhà máy điện gió ngoài khơi; cơ chế, chính sách cho phát triển điện khí theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2024; hoàn thành trong tháng 3 năm 2024. Đặc biệt, khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái và cơ chế mua bán điện trực tiếp theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 164/NQ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2023 và Nghị quyết số 217/NQ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2023, bảo đảm chất lượng và tiến độ theo quy định.
Đối với Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, các Vụ Thị trường ngoài nước tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, sản phẩm, chuỗi cung ứng; củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại các thị trường truyền thống, tạo bước đột phá mở rộng các thị trường xuất khẩu mới có tiềm năng; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.
Thực hiện các giải pháp đồng bộ chủ động thích ứng và có kế hoạch cụ thể đáp ứng quy định của các thị trường nhập khẩu về giảm phát thải, chống phá rừng, tăng trưởng xanh, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, an toàn thực phẩm... Ngoài ra, tổ chức các chương trình khuyến mại trên phạm vi toàn quốc để phối hợp với các địa phương tăng cường kết nối cung cầu, kích cầu tiêu dùng trong nước, thúc đẩy phát triển thị trường trong nước.
Vụ Thị trường trong nước thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình thị trường xăng dầu thế giới và trong nước để chủ động có giải pháp từ sớm, từ xa và có phương án bù đắp nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống, tuyệt đối không để xảy ra thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp. Cùng đó, đổi mới cơ chế quản lý đầu mối kinh doanh xăng dầu theo hướng giảm đầu mối nhiều hơn nữa, giảm khâu trung gian, dễ kiểm tra, giám sát.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ tập trung triển khai thực hiện khẩn trương, nghiêm túc các nhiệm vụ được giao.