Theo đánh giá của các nhà quản lý thương mại cũng như các doanh nghiệp, hàng hóa phục vụ Tết năm nay tương đối dồi dào, không sốt giá. Đó sẽ là tín hiệu tốt cho một thị trường hàng hóa bình ổn, phục vụ nhân dân đón Tết đầy đủ, vui tươi, lành mạnh.
Chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào
Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là thị trường trọng điểm, có tính nhạy cảm cao do vậy, để chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, các thành phố và các doanh nghiệp đã triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa đến các cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề, chợ. Đến nay, các cơ sở, đơn vị đang tiến hành sản xuất, dự trữ hàng hóa với trữ lượng dồi dào.
Khách mua sắm hàng tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ – TTXVN |
Theo Sở Công Thương Hà Nội, tổng lượng hàng dự trữ phục vụ Tết Nguyên đán ước 16.000 tỷ đồng. Nguồn cung cấp hàng hóa thiết yếu cho thị trường Hà Nội dịp Tết Nguyên đán sẽ từ các chợ đầu mối và từ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, cơ sở sản xuất trên địa bàn. Trong đó, nhóm hàng thực phẩm tại chợ đầu mối như: thịt lợn, hải sản tươi sống chiếm khoảng 50% thị phần và rau củ quả chiếm khoảng 70% thị phần. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá của thành phố tập trung khai thác, dự trữ và tổ chức bán ra thị trường 7 nhóm hàng thiết yếu với lượng hàng hóa: gạo trắng thường 4.000 tấn, thịt lợn 900 tấn, thịt gà - vịt 450 tấn, trứng gia cầm 5,5 triệu quả, thủy hải sản đông lạnh 200 tấn, dầu ăn 1.500 nghìn lít, rau củ 1.500 tấn.
Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng đã công bố kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng phục vụ thị trường Tết. Theo đó, năm nay các doanh nghiệp chuẩn bị tổng mức giá trị hàng hóa khoảng 15.849 tỷ đồng, tăng gần 8.268 tỷ đồng so với Tết Giáp Ngọ 2014; trong đó tổng giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường đạt 8.304 tỷ đồng.
Mặt hàng thực phẩm tươi sống thường có xu hướng biến động dịp Tết. Tuy nhiên, đại diện của Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam cho rằng, hiện tình hình chăn nuôi rất thuận lợi, đảm bảo nguồn cung dồi dào, không lo tăng giá trong dịp Tết. Phục vụ thị trường Tết, công ty cung cấp khoảng 10.000 con lợn thịt/ngày cho các đơn vị chế biến, giết mổ, thị trường chủ yếu là các thành phố lớn. Trong trường hợp hút hàng, công ty có thể tăng lên 12.000 con lợn/ngày góp phần ổn định giá.
Ông Dương Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên chăn nuôi Bình Minh, (huyện Trảng Bom) cũng cho biết, dịp Tết này doanh nghiệp cung cấp cho thị trường khoảng 900 tấn gà thả vườn với giá bình ổn tăng khoảng 30% so với ngày thường. Hiện giá thịt gà có chiều hướng hạ nhiệt vì thịt nhập về nhiều. Đây cũng là một trong những lý do khiến sản phẩm chăn nuôi khó biến động mạnh về giá ngay cả bước vào cao điểm Tết.
Không để xảy ra tăng giá đột biến
Trước khả năng hàng hóa cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán dồi dào, chất lượng tốt, sức mua của người dân chưa cao, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội khẳng định: “Từ nay đến Tết Nguyên đán đảm bảo không có tăng giá đột biến”.
Ngày 6/1/2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-BTC về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015. Chỉ thị nêu rõ, trong công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá, Giám đốc Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành của địa phương tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá trên địa bàn, chú trọng tới diễn biến cung cầu và giá cả thị trường trước, trong và sau Tết; đặc biệt đối với những hàng hóa, dịch vụ đáp ứng trực tiếp nhu cầu tiêu dùng Tết của người dân trên địa bàn không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đầu cơ, găm hàng, tung tin thất thiệt gây tăng giá đột biến, cục bộ. |
Để kích thích nhu cầu mua sắm trong dân, các trung tâm thương mại, siêu thị áp dụng chương trình khuyến mại, giảm giá sâu. Đặc biệt, hệ thống siêu thị Big C, Hapro, Vinmart, Hiway, Fivimart, Intimex, Metro… thường thực hiện chương trình khuyến mại lớn, áp dụng cho hàng nghìn mặt hàng, góp phần ổn định thị trường.
Để kiểm soát nguồn hàng, chất lượng hàng hóa, kiểm soát giá cả thị trường, Sở Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiểm tra việc niêm yết giá bán, bán theo giá niêm yết, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng thời cơ tăng giá bất hợp lý. Theo đó, lực lượng quản lý thị trường cũng chú trọng các hiện tượng đầu cơ tích trữ hàng hóa bất hợp pháp, kiểm tra việc thực hiện bán hàng bình ổn giá tại các điểm bán hàng đã đăng ký… góp phần ổn định giá cả thị trường.
Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu các doanh nghiệp phải khẩn trương rà soát lại cơ cấu giá thành, tính toán tác động của việc giảm giá xăng dầu và thực hiện điều chỉnh giảm giá thành sản phẩm. “Cần điều chỉnh lại mức giá bán những mặt hàng bình ổn phù hợp với chi phí đầu vào và diễn biến thị trường hiện nay”, bà Đào yêu cầu.
Hầu hết các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường như Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Ba Huân, Vissan… đều cho biết đã triển khai các quy trình điều chỉnh giá thành sản phẩm. Theo ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), Saigon Co.op đã làm việc với các nhà cung cấp ngay sau khi giá xăng dầu giảm sâu. Cụ thể, nhóm hàng ảnh hưởng trực tiếp của giá vận chuyển chủ yếu là thực phẩm tươi sống như nông sản, rau củ, quả, thủy hải sản đã tiến hành luân phiên giảm giá từ ngày 27/12. Các mặt hàng có tính dự trữ gồm hóa phẩm, thực phẩm công nghệ, đồ dùng, may mặc… sau khi loại trừ biến động chi phí nguyên liệu đầu vào sẽ có kế hoạch giảm giá trong thời gian tới với nhiều hình thức đa dạng. Mặt khác, nhằm phục vụ tốt nhu cầu thị trường trong những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015, Saigon Co.op sẽ phối hợp chặt chẽ với nhà cung cấp thực hiện chính sách giá tốt nhất cho người tiêu dùng.
Dự kiến thời điểm điều chỉnh giá các mặt hàng trong Chương trình bình ổn thị trường của thành phố sẽ thực hiện trước ngày 10/1/2015, đồng thời mức giá này được duy trì trong thời gian một tháng trước và sau Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015.
Nam Hoàng - Đinh Thuận - Mỹ Phương