Công nhân làm việc tại nhà máy Công ty TNHH may mặc Bowker Việt Nam (Khu công nghiệp Đồng An 1, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương). Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN
Một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng của Bình Dương là tình hình kinh tế thế giới. Chỉ số độ mở của nền kinh tế Việt Nam đạt 165% GDP, là một trong những mức cao nhất trong các nền kinh tế mới nổi. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam và đặc biệt là Bình Dương, dễ bị ảnh hưởng bởi các biến động kinh tế toàn cầu, như chiến tranh thương mại và thay đổi chuỗi cung ứng. Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt lao động chất lượng cao cũng là một yếu tố đáng lo ngại.
Bình Dương, một trong những địa phương dẫn đầu về công nghiệp, đang phải đối mặt với thách thức lớn khi ngành công nghiệp của tỉnh vẫn chủ yếu gia công, lắp ráp, chưa tạo ra giá trị gia tăng cao. Điều này khiến tỉnh dễ bị tổn thương trước sự thay đổi của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo ông Bùi Minh Thạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, hiện nay, Bình Dương đang thiếu lao động chất lượng cao, có tay nghề và trình độ chuyên môn phù hợp với các ngành công nghiệp hiện đại. Bên cạnh đó, việc đào tạo và tuyển dụng lao động phổ thông cũng là một vấn đề cấp bách. Tỉnh Bình Dương đang triển khai nhiều dự án giao thông quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, quá trình này vấp phải nhiều rào cản như thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu, gây nguy cơ chậm tiến độ.
Dự báo năm 2025 tiếp tục đối mặt với nhiều bất ổn, đặc biệt là nguy cơ cuộc chiến thương mại mới giữa các nền kinh tế lớn, áp lực tỷ giá và sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư khỏi các thị trường đang phát triển. Với độ mở nền kinh tế lớn, Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các biến động toàn cầu. Doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất, tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu và nâng cao giá trị sản phẩm công nghiệp.
Ông Bùi Minh Thạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh, trước những thách thức trên, Bình Dương đang tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để đảm bảo đạt mục tiêu tăng trưởng 10% như: thực hiện ba đột phá chiến lược theo Nghị quyết 17-NQ/TU ngày 6/12/2024 của Tỉnh ủy; trong đó, tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội và thu hút đầu tư chất lượng cao. Tận dụng tối đa nguồn lực từ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn xã hội để đầu tư phát triển. Đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) có chọn lọc, ưu tiên các ngành công nghệ cao, thân thiện môi trường.
Nhằm phát triển hạ tầng đồng bộ, thúc đẩy đầu tư, tỉnh đang hoàn thành và triển khai Quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; tăng cường đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới theo quy hoạch. Tỉnh đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công các dự án trọng điểm để kết nối giao thông liên vùng...
Tỉnh cũng đang tập trung hỗ trợ doanh nghiệp và cải thiện môi trường kinh doanh, rút ngắn thời gian cấp phép đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Tỉnh đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc tháo gỡ khó khăn về pháp lý, tài chính, chuyển đổi số và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Cùng đó, tỉnh chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư vào giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành công nghiệp mũi nhọn như bán dẫn, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo.
Xây dựng chính sách thu hút chuyên gia, lao động có tay nghề cao đến làm việc tại Bình Dương. Cải thiện chất lượng sống, đầu tư vào các thiết chế văn hóa, xã hội để giữ chân lao động lâu dài.
Tỉnh cũng đang, triển khai khu kinh tế số, trung tâm đổi mới sáng tạo để thu hút đầu tư công nghệ cao; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, thương mại điện tử; tích cực phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu tác động đến môi trường.
Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, ưu tiên các ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Môi trường kinh doanh được cải thiện với chính sách rút ngắn thời gian cấp phép đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về tài chính, pháp lý, chuyển đổi số...
TS Hà Thúc Viên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Đức cho biết, Bình Dương là tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới đất nước 40 năm qua. GDP của Bình Dương hiện lớn thứ 3 cả nước. Tuy nhiên, những động lực tăng trưởng vốn là xương sống của nền kinh tế Bình Dương giờ đang mất dần vai trò khi đời sống nhân dân ở tỉnh đã được cải thiện đáng kể, đi cùng với đó là chi phí mức sống cũng tăng lên. Trong bối cảnh đó, các hoạt động sản xuất có giá trị gia tăng thấp, sử dụng lao động chân tay phải dần được thay thế bởi hoạt động sản xuất có giá trị gia tăng cao, đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao và cũng sẵn sàng trả lương cao.
Do đó, tỉnh cần thực hiện tốt mục tiêu Chính phủ giao về đầu tư công, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn cũng như phù hợp với định hướng phát triển dài hạn. TS Hà Thúc Viên nhấn mạnh, đầu tư là một cấu phần quan trọng chiếm tới 33% GDP, đầu tư tăng thì GDP cũng tăng. Do đó, đẩy mạnh đầu tư là một biện pháp hiệu quả để tăng trưởng GDP trong ngắn hạn....
Tỉnh cần chủ động xúc tiến thương mại, xây dựng sàn thương mại điện tử để quảng bá sản phẩm của tỉnh. Đi đầu trong công tác giáo dục, khuyến học, chăm sóc y tế nhằm xây dựng và thu hút một lực lượng lao động có tay nghề cao đến học tập và sinh sống tại Bình Dương. Đây là nguồn lao động quý giá Bình Dương cần và phải có để tiếp tục đi đầu trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, ông Lê Như Thạch, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng Bình Dương đề xuất phát triển mô hình TOD (đô thị gắn kết với giao thông công cộng), kết nối với Tp. Hồ Chí Minh nhằm thúc đẩy thu hút nhà đầu tư lớn, lao động chất lượng cao. Ông cũng đề nghị tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp bằng các chính sách ưu đãi về thuế, phát triển hạ tầng số, tạo điều kiện cho các startup và doanh nghiệp công nghệ cao phát triển.