Sau thời gian thụ tinh nhân tạo cho đàn bò cái lai Sindh được chọn làm bò nền đã cho ra đời 352 con bò sữa F1; trong đó có 306 bò sữa cái. Hiện nay, các con bò sữa F1 phát triển khỏe mạnh. Dự kiến đến năm 2018 số bò sữa cái F1 này sẽ bắt đầu cung cấp sữa.
Theo bà Trần Thị Tuyết Anh, điều phối viên dự án Phát triển đàn bò sữa tại Bến Tre cho biết, dự án đang triển khai xây dựng trạm thu mua sữa với diện tích 1,8 ha đặt tại xã An Bình Tây, huyện Ba Tri.
Cuối năm 2017, trạm sẽ đi vào hoạt động thu mua sữa để vận chuyển đến cung cấp cho Nhà máy sữa Vinamilk ở Bình Dương hoặc Cần Thơ. Dự kiến mỗi ngày trạm sẽ cung cấp khoảng 5 tấn sữa cho Công ty sữa Vinamilk.
Dự án phát triển đàn bò sữa tại Bến Tre được thực hiện ở 11 xã của huyện Ba Tri với sự tham gia của 1.800 hộ nông dân. Dự án tập trung phát triển đàn bò sữa với số lượng trên 7.000 con thông qua việc sử dụng tinh phân ly giới tính chất lượng cao để thụ tinh nhân tạo cho đàn bò cái lai Sindh được bình tuyển.
Dự án phát triển đàn bò sữa tại Bến Tre giai đoạn 2015 - 2019 với tổng số vốn dự kiến trên 98 tỷ đồng; trong đó 18 tỷ đồng trích từ ngân sách tỉnh Bến Tre, 18 tỷ đồng do tổ chức Heifer Quốc tế viện trợ không hoàn lại và 62 tỷ đồng là vốn đối ứng của các hộ tham gia dự án.
Mục tiêu của việc phát triển nghề nuôi bò sữa ở Bến Tre nhằm góp phần tạo sinh kế bền vững cho nông dân, tăng hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi, đồng thời góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Ba Tri đã có 100 hộ có từ 3 - 16 con bò sữa cái F1 và F2 (mua từ huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh). Về lâu dài sẽ phát triển đàn bò sữa lên khoảng 7.341 con, và nuôi theo hướng gia trại, trang trại, an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm,… Sau khi kết thúc dự án vào năm 2019 sẽ tiếp tục triển khai mở rộng đàn bò sữa ra huyện Thạnh Phú.