Nhằm tìm hiểu thêm về các giải pháp để hài hòa hóa mục tiêu tăng trưởng và bảo vệ môi trường, TTXVN giới thiệu chùm 4 bài “Bảo vệ môi trường trước "ngã rẽ" tăng trưởng".
Bài 1: Hướng đi đúng để phát triển bền vững
Áp lực trước bài toán làm sao phải giải quyết mối quan hệ hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với việc đảm bảo môi trường, tạo nên sức mạnh nội tại nhưng vẫn tuân thủ các cam kết quốc tế bên ngoài... đang đặt ra trách nhiệm với các cơ quan quản lý, các địa phương, doanh nghiệp phải sớm có những điều chỉnh kịp thời về cơ chế chính sách để có được sự đồng thuận về tư duy và nhất quán trong hành động khi đưa chính sách vào cuộc sống. Nhất là trong bối cảnh hậu COVID-19, yếu tố sức khỏe của người dân hơn bao giờ hết càng được đặt lên hàng đầu.
Kiên định không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng
Quan điểm của Đảng về bảo vệ môi trường được thể hiện xuyên suốt qua các kỳ đại hội, từ Đại hội lần thứ IX đến lần thứ XIII. Đặc biệt tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng tiếp tục khẳng định: “Lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của nhân dân là mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.
Lộ trình này cũng đã được thể hiện rất rõ trong chiến lược của đất nước, thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, hay Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2050.
Phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp là con đường để đưa đất nước phát triển bền vững. Đây được coi là lộ trình đúng đắn, phù hợp với xu thế quốc tế khi nhiều nước đang thắt chặt các quy định về kiểm soát hàng hóa liên quan đến môi trường.
Mới đây, tại Hội nghị thượng đỉnh Tham vọng khí hậu của Liên hợp quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: "Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh công bằng, công lý; trong đó lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể và không để ai bị bỏ lại phía sau". Đó là quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Đảng, Chính phủ cũng như quyết tâm của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế vì mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững…
Là nền kinh tế đang phát triển, thời gian qua, Việt Nam đã tận dụng lợi thế tự nhiên về nguồn đất nông nghiệp, tài nguyên nước, rừng, biển và trữ lượng khoáng sản dồi dào làm nền tảng thúc đẩy tăng trưởng nhanh và mạnh trong giai đoạn đầu của sự phát triển. Tuy nhiên, mô hình phát triển kinh tế phần lớn dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên đang cho thấy sự thiếu bền vững theo thời gian. Nhất là khi quá trình tăng trưởng và công nghiệp hóa nhanh của Việt Nam đã và đang để lại nhiều tác động tiêu cực đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Nguồn vốn tự nhiên của Việt Nam rơi vào tình trạng suy giảm liên tục trong khoảng 2 thập kỷ qua, kéo theo đó là các vấn đề về môi trường như: Ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường, mất an ninh nguồn nước, cạn kiệt tài nguyên…
Những trận lũ ngày càng hung dữ, mỗi năm đều có bao nhiêu sinh mạng mất đi, bao nhiêu gia đình chịu cảnh trắng tay. Sạt lở đất xảy ra thường xuyên và hậu quả ngày càng kinh hoàng. Cùng với đó, nhiều cảnh quan thiên nhiên bị phá vỡ, diện tích rừng bị phá hoại ngày càng tăng, môi trường biển ngày càng bị xâm hại… Đó là những thiệt hại do thiên nhiên mang lại mà nguyên nhân sâu xa chính là sự phát triển thiếu cân bằng trong mục tiêu phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Gần đây, một dự án đã công khai từ hàng chục năm trước bỗng trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của dư luận: Hơn 600 ha rừng; trong đó có trên 130 ha rừng đặc dụng sẽ nhường chỗ cho dự án công trình hồ thủy lợi Ka Pét ở huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Hay dư luận cũng xôn xao trước những thông tin có hay không quyết định của tỉnh Thái Bình chuyển đổi hơn 11.050 ha Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải để làm khu kinh tế?
Câu chuyện dự án hồ thủy lợi Ka Pét đó cũng là cái khó của nhà quản lý. Ông Bí thư tỉnh ủy Bình Thuận đã phải giãi bày với báo giới: “Người ở vùng khô hạn, luôn khát nước thì ủng hộ. Người quý rừng hơn quý nước thì nói phá rừng... Làm lãnh đạo, chúng tôi không lo được cho dân là có lỗi. Giữ rừng cũng cho dân, giữ nước cũng cho dân”. Lãnh đạo tỉnh Thái Bình cũng khẳng định: “Sẵn sàng lắng nghe và tiếp thu các ý kiến, nếu có điều bất hợp lý, ảnh hưởng môi trường, phá hệ sinh thái đến mức nặng nề, tỉnh sẵn sàng điều chỉnh, trên tinh thần việc đúng thì quyết tâm làm, sai sẽ chỉnh sửa”.
Chưa bàn đến câu chuyện đúng - sai hay hiệu quả của các dự án trên cũng như đánh giá tác động môi trường mà các địa phương đã thực hiện, nhưng những băn khoăn, lo lắng của dư luận là xác đáng bởi lẽ những hình ảnh trực quan về cánh rừng xanh tốt mai sau sẽ vĩnh viễn mất đã tác động trực tiếp đến tâm tư và lo lắng của hàng triệu người dân. Và vấn đề được đặt ra là cần có tiêu chí cụ thể để thống nhất tư duy hành động, đó là sự lựa chọn giữa tư duy dù bất cứ lý do gì thì dự án địa phương không được "phạm" đến rừng và cách tư duy khi thực hiện dự án thì không còn cách nào khác là phải "phạm" tới rừng? Khi đã kiên định với mục tiêu không hy sinh môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, thì sẽ có những nguyên tắc gần như bất di bất dịch mà không lý luận nào có thể bẻ cong!
Tính toán của nhóm nghiên cứu Ngân hàng Thế giới cho thấy giai đoạn 2021-2022 Việt Nam đã thiệt hại hơn 10 tỷ USD, tương đương 3,2% GDP do tác động của biến đổi khí hậu. Quy mô của những thiệt hại này được dự đoán sẽ tăng nhanh, đồng thời nhấn mạnh sự cấp thiết ngày càng gia tăng đối với việc Việt Nam cần phải thích ứng với các rủi ro từ biến đổi khí hậu. Tình trạng dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu của Việt Nam trở nên trầm trọng hơn do công tác quy hoạch yếu kém và quản lý không bền vững các nguồn tài nguyên. Trường hợp điển hình là Đồng bằng sông Cửu Long nơi có hoạt động khai thác cát liên tục làm trầm trọng thêm tác động của mực nước biển dâng đối với tình trạng xói mòn bờ biển và bờ sông.
Có thể khẳng định tăng trưởng xanh và bảo vệ môi trường cũng được xác định là trọng tâm trong chính sách phát triển quốc gia của nhiều khu vực trên thế giới trong nỗ lực để đạt được sự phát triển bền vững. Trên thế giới, gần đây, các nước châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đều đưa ra chương trình phát triển xanh, khung pháp lý để nhập khẩu hàng hóa của các nước phải bảo đảm sản xuất xanh. Mới đây nhất, Ủy ban Châu Âu (EU) đã ban hành quy định về Thiết lập Cơ chế điều chỉnh carbon (CBAM). Đây là công cụ chính sách của EU nhằm đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường châu Âu dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước xuất khẩu. Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon sẽ được EU bắt đầu áp dụng từ ngày 1/10.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây vừa là yêu cầu đòi hỏi cấp bách của nền kinh tế, vừa là đòi hỏi nội tại của đất nước chúng ta ở một vị trí nền kinh tế chịu ảnh hưởng chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Đồng thời đây cũng là cơ hội để Việt Nam lựa chọn lộ trình tăng trưởng xanh trước ngã rẽ phục hồi hậu COVID.
Theo PGS-TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, hiện nay, Việt Nam đang đứng giữa ngã rẽ để phục hồi hậu COVID-19. Đây là cơ hội lớn để các địa phương lựa chọn giữa lộ trình cũ hay lộ trình tăng trưởng xanh. Việt Nam có thể trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh. Đây là hướng đi đúng đắn để thực hiện tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. “Việt Nam cần chú trọng hơn vào số hóa, vào xanh hóa, vào sự cân đối, hài hòa giữa kinh tế - xã hội và môi trường sẽ giúp Việt Nam hoàn thành nhanh hơn mục tiêu dài hạn về phát triển bền vững và trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030, nước có thu nhập cao vào năm 2045, đồng thời đảm bảo mọi người dân có cuộc sống chất lượng cả về vật chất và tinh thần”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Bảo vệ môi trường phải đi trước một bước
Để đạt được lộ trình tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, bảo vệ môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ, cần được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển.
Để mục tiêu bảo vệ môi trường đi trước một bước, các chuyên gia cho rằng cần đổi mới tư duy, lý luận và phương pháp làm quy hoạch; công tác quy hoạch phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người, chất lượng cuộc sống làm trung tâm, đồng thời cần tính tới những tính toán cụ thể về xã hội và môi trường. Chứ không phải ồ ạt quy hoạch các khu kinh tế, khu công nghiệp như một nhu cầu bắt buộc để phát triển với tất cả các địa phương.
Tại cuộc họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch Bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào tháng 7 vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, "bài toán" môi trường phải được đặt ra trong quá trình phát triển. Quy hoạch cần cập nhật theo mô hình tăng trưởng theo kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội với bảo vệ môi trường. "Bảo vệ môi trường phải đi trước một bước chứ không phải lẽo đẽo đi sau phát triển", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Các chuyên gia cũng cho rằng, trước mỗi quy hoạch dự án cần đánh giá tác động kỹ lưỡng cả về kinh tế, môi trường, xã hội có tính liên kết vùng, nhất là quan tâm đến sinh kế cho những người dân sống từ nghề nông, nghề rừng trên địa bàn. Tuyệt đối không đánh đổi bằng mọi giá, phải coi phát triển bền vững là ưu tiên hàng đầu, không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi môi trường, bởi chúng ta còn có trách nhiệm gìn giữ tài nguyên thiên nhiên cho thế hệ mai sau.
Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã tích cực thực hiện các giải pháp chuyển đổi thành công cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp; đầu tư cho vốn tự nhiên… Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến 2050 và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.
Đặc biệt, những cam kết của Việt Nam với thế giới về chống biến đổi khí hậu đã được thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Tham vọng khí hậu của Liên hợp quốc ngày 20/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa khẳng định Việt Nam quyết tâm thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, phấn đấu giảm nhanh lượng phát thải khí nhà kính đến 43,5% vào năm 2030 và đạt tỷ lệ năng lượng tái tạo hơn 70% vào năm 2050. Đó là các nhiệm vụ nặng nề đối với Việt Nam - một nước đang phát triển, có nền kinh tế đang chuyển đổi.
Hơn nữa, Việt Nam cũng tham gia hội nhập quốc tế, ký nhiều Hiệp định FTA. Một trong những động lực tăng trưởng của Việt Nam là xuất khẩu và vì thế xuất khẩu phải bảo đảm xanh. Đây là yêu cầu khắt khe của thế giới và là yêu cầu bắt buộc của hội nhập, vừa là yêu cầu đòi hỏi cấp bách của nền kinh tế.
Theo PGS-TS Bùi Quang Tuấn, chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh là hết sức cần thiết, cấp bách trong bối cảnh hiện nay. Bởi tăng trưởng xanh con đường tất yếu của sự phát triển và phù hợp với mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam để hướng đến một tương lai nền kinh tế.
Nói tóm lại, tăng trưởng xanh là con đường phát triển phù hợp với Việt Nam, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là cam kết đạt phải thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Từ đó giúp Việt Nam từng bước đạt được khát vọng là một nước phát triển có mức thu nhập cao, công bằng về xã hội và hài hòa về môi trường.
Bài 2: Cái giá phải trả cho cơn lốc đô thị hóa