Sau gần 3 năm hoạt động, Hợp tác xã đã hình thành được chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ được hàng trăm tấn nông sản chủ lực của nông dân huyện Hoài Ân.
Anh Thái Việt Duy, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân cho biết: Nhiệm vụ chính của Hợp tác xã là bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho người dân, trong đó có 4 sản phẩm chủ lực của huyện Hoài Ân là: bưởi da xanh, dừa xiêm, gà thả đồi, trà Gò Loi. Hợp tác xã đã phối hợp với phòng Nông nghiệp huyện Hoài Ân xây dựng các chuỗi liên kết để tiêu thụ sản phẩm nông sản, hỗ trợ nông dân về kỹ thuật, giống cây trồng và tìm kiếm đối tác để ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Hiện Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân đã xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với 80 hộ dân/60 ha bưởi da xanh và một số cây có múi khác. Đặc biệt, chuỗi liên kết đã tạo ra vùng sản xuất cây ăn trái có múi thương phẩm hợp chuẩn VietGAP.
Anh Thái Thành Việt, thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân (phụ trách kỹ thuật) cho biết: Đến nay, các nhà vườn tham gia chuỗi liên kết đã áp dụng thành thạo kỹ thuật canh tác hợp chuẩn VietGAP. Hợp tác xã liên tục mở rộng địa bàn để hình thành vùng nguyên liệu ổn định, đã ký hợp đồng với từng hộ; hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật canh tác hợp chuẩn, hỗ trợ các hộ dân chuyển đổi sang canh tác bưởi an toàn, truy xuất nguồn gốc dễ dàng để nâng cao uy tín sản phẩm.
Để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, cán bộ kỹ thuật nông nghiệp của Hợp tác xã đã xuống tận từng nhà vườn hướng dẫn chi tiết quy trình canh tác hợp chuẩn VietGAP, trong đó chú trọng vào việc bón phân, thời gian cách ly để thu hoạch, chế độ dinh dưỡng cho cây trong giai đoạn kết trái. Đồng thời Hợp tác xã còn động viên, hỗ trợ nhà vườn chuyển dần sang hướng canh tác hữu cơ với việc sử dụng nhiều hơn các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ để tạo ra những vườn bưởi, vườn dừa sạch.
Chị Phạm Thị Lý, thôn Thanh Lương, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân, chủ nhà vườn dừa đã tham gia vào chuỗi liên kết cho biết: Nhờ các bạn trẻ của Hợp tác xã Thanh niên xuống hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ phân bón hữu cơ nên chất lượng quả dừa đều, nước ngọt. Hợp tác xã thu mua tại vườn với giá tốt nên chúng tôi yên tâm vì sản phẩm đã có đầu ra ổn định, nhờ đó tiếp tục đầu tư mở rộng thêm diện tích cây trồng.
Anh Nguyễn Văn Lưu, thôn Vạn Hội, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân đang trồng khoảng 600 cây bưởi, cam và quýt, mỗi năm thu nhập khoảng 200 triệu đồng. “Trước đây, nhà vườn chúng tôi thường đối mặt với chuyện được mùa rớt giá, và do chưa nắm bắt được kỹ thuật mới nên cây trồng thường xuyên bị sâu bệnh, chất lượng sản phẩm không cao, tiêu tốn nhiều chi phí. Nhưng khi được Hợp tác xã thu mua tại vườn với giá tốt Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân ký kết bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ kỹ thuật nên chi phí sản xuất giảm, chất lượng sản phẩm cũng tăng lên, giá bán cũng tốt hơn, sản phẩm đầu ra ổn định”, anh Nguyễn Văn Lưu chia sẻ.
Bên cạnh việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, để mở rộng thị trường, Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân còn chào hàng trên trang thương mại điện tử Postmart của Bưu điện Việt Nam, đồng thời xúc tiến hợp đồng đưa bưởi da xanh Hoài Ân vào hệ thống siêu thị của Saigon Co.op tại Bình Định. Anh Thái Thành Việt cho biết, Hợp tác xã ký hợp đồng cung ứng 60 tấn bưởi da xanh Hoài Ân cho hệ thống Bưu điện Việt Nam trong năm 2022, đến nay đã cung ứng được 20 tấn. Tháng 5/2022, UBND tỉnh Bình Định trao tặng Bằng khen cho Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn huyện Hoài Ân giai đoạn 2020-2022.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoài Ân Hoàng Anh Thiện nhấn mạnh, Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân đã hình thành được chuỗi liên kết sản xuất và làm rất tốt việc hỗ trợ kỹ thuật, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm. Hợp tác xã đã chủ động tìm kiếm thị trường, ký kết với nhiều doanh nghiệp lớn để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân Hoài Ân, nhờ đó sản phẩm có đầu ra ổn định, đồng thời nâng cao chất lượng, đưa sản phẩm nông sản Hoài Ân vươn xa hơn trên thị trường.