Tổng cục Thuế nhận thức yêu cầu về triển khai hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có xác thực của cơ quan thuế trên phạm vi toàn quốc theo Nghị quyết số 36a/NQ - CP có tác động trực tiếp tới cộng đồng doanh nghiệp. Việc thực hiện nhiệm vụ này giúp giảm chi phí phát hành và sử dụng hóa đơn, thúc đẩy thương mại điện tử... Đây là nhiệm vụ trọng tâm của ngành thuế trước mắt cũng như lâu dài.
Từ nhận thức nêu trên, Tổng cục Thuế đã kịp thời tham mưu báo cáo Bộ Tài chính ban hành Quyết định thí điểm sử dụng hóa đơn điện tử có xác thực của cơ quan thuế phù hợp theo thẩm quyền đối với 200 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đến hết tháng 12/2016 và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thí điểm được thông suốt. Đồng thời, Tổng cục Thuế xây dựng kế hoạch tổng thể và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có xác thực của cơ quan thuế.
Việc nộp thuế điện tử sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được công sức và thời gian. Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN |
Vậy ngành thuế sẽ hoàn thiện, cải cách cơ sở pháp lý theo hướng nào để đáp ứng yêu cầu đề ra?
Ngành thuế đã và đang tập trung nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện cơ sở pháp lý để triển khai hiệu quả chỉ đạo của Bộ Tài chính, Chính phủ. Theo đó, Chính phủ sẽ ban hành nghị định bổ sung quy định làm cơ sở pháp lý triển khai hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có xác thực của cơ quan thuế. Bộ Tài chính sẽ ban hành các thông tư hướng dẫn chi tiết thi hành.
Bộ Tài chính đang khẩn trương nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế. Theo đó, sẽ quy định cụ thể nội dung hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có xác thực của cơ quan thuế theo mục tiêu hướng tới là trong tương lai tất cả người nộp thuế bao gồm cả tổ chức và cá nhân kinh doanh (trừ cá nhân và hộ kinh doanh nhỏ) đều thực hiện hóa đơn điện tử và định kỳ thực hiện chuyển dữ liệu cho cơ quan thuế và hóa đơn điện tử có xác thực của cơ quan thuế.
Đồng thời, ngành thuế nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước đã áp dụng thành công hóa đơn điện tử để tìm ra giải pháp thực hiện phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Hiện cơ quan thuế nhận được phản hồi của phía Hàn Quốc về vấn đề phối hợp trong việc chia sẻ kinh nghiệm thực hiện hóa đơn điện tử và hóa đơn điện tử có xác thực của cơ quan thuế.
Còn vấn đề hạ tầng công nghệ thông tin sẽ được ngành thuế xử lý ra sao, thưa ông?
Tổng cục Thuế đang khẩn trương phối hợp với các cơ quan nghiên cứu xây dựng đề án tổng thể về ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức triển khai hóa đơn điện tử và hóa đơn điện tử có xác thực của cơ quan thuế. Đề án thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo hệ thống vận hành thông suốt ngay cả khi cộng đồng doanh nghiệp tham gia trên diện rộng.
Tuy nhiên, để việc triển khai Nghị định 36a/NĐ - CP của Chính phủ có hiệu quả, cần xã hội hoá sự tham gia của các tổ chức cung cấp dịch vụ thuế điện tử (T - VAN) thực hiện hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có xác thực của cơ quan thuế.
Theo ông, sự tham gia của nhà cung cấp dịch vụ T - VAN có khiến doanh nghiệp lo ngại về vấn đề bảo mật thông tin?
Những doanh nghiệp tham gia có sự kiểm soát của Nhà nước về điều kiện để trở thành T - VAN và cung cấp dịch vụ có chất lượng với chi phí phù hợp phục vụ cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sẽ có những quy định, trách nhiệm cụ thể đối với doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ trong việc bảo mật thông tin.
Ngành thuế từng bước xây dựng kho cơ sở dữ liệu về hóa đơn của doanh nghiệp phục vụ công tác quản lý của Nhà nước nói chung và quản lý thuế nói riêng, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chia sẻ, truy xuất thông tin trên nguyên tắc bảo mật, chia sẻ thông tin phù hợp.
Xin trân trọng cảm ơn ông!