Những khiếm khuyết của Luật Doanh nghiệp đã và đang khiến môi trường kinh doanh ở nước ta chưa thực sự thuận lợi như mong muốn. Vì vậy, việc bổ sung, sửa đổi Luật Doanh nghiệp hiện hành đã trở thành nhu cầu bức thiết nhằm thực hiện đầy đủ tinh thần về quyền tự do kinh doanh đã được quy định trong Hiến pháp 2013.
Quyền bị hạn chế bởi nhiều luật
Luật sư Nguyễn Thị Vân, Trưởng phòng Pháp chế Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, quyền tự do kinh doanh dưới góc độ pháp lý là quyền của các chủ thể kinh doanh trong việc lựa chọn lĩnh vực, ngành nghề để đầu tư vốn, tự do thành lập doanh nghiệp, tự do tổ chức bộ máy hoạt động, cách thức tổ chức, quản lý doanh nghiệp... Tuy nhiên, thực tế vẫn tồn tại nhiều khiếm khuyết trong các luật, đặc biệt là Luật Doanh nghiệp 2005, khiến quyền này bị ảnh hưởng.
Sửa đổi Luật Doanh nghiệp hiện hành để thực hiện đầy đủ quyền tự do kinh doanh được quy định trong Hiến pháp. Ảnh: An Hiếu - TTXVN |
Cụ thể, việc đăng ký kinh doanh và quản lý Nhà nước về ngành nghề kinh doanh chưa hợp lý, không còn phù hợp với quyền tự do kinh doanh. “Chẳng hạn, đối với thị trường chứng khoán, chưa có quy định cụ thể và hợp lý về chào bán cổ phần riêng lẻ đối với công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng, gây khó khăn cản trở việc huy động thêm vốn, mở rộng kinh doanh”, bà Vân nêu rõ.
Còn ông Đinh Việt Thanh, Phụ trách pháp chế, Tổng công ty May 10 cho rằng, có hiện tượng lợi ích nhóm trong xây dựng luật. Điều này ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Ông Thanh lấy ví dụ Thông tư 27/2013/TT - BLĐTBXH về huấn luyện an toàn vệ sinh lao động. Theo ông Thanh, ngành dệt may hiện có khoảng 2,5 triệu lao động, mỗi doanh nghiệp sẽ huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động cho người lao động ít nhất một lần/năm. Tuy nhiên, thực tế không có đủ người để huấn luyện hết số lao động này.
Bởi điều kiện để trở thành người huấn luyện an toàn vệ sinh lao động thường bị “kéo” về một số nội dung nhất định mà chỉ có một nhóm cá nhân thực hiện được. “Bản thân tôi gần 10 năm làm công tác an toàn vệ sinh lao động, là kỹ sư Bách khoa về quản trị doanh nghiệp nhà máy, cử nhân luật nhưng không đủ tiêu chuẩn để huấn luyện cho công nhân”, ông Thanh dẫn chứng.
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thừa nhận, thực tế, khi soạn thảo các thông tư, đúng là có chuyện cơ quan soạn thảo lồng vào lợi ích ngành, để thuận lợi cho quản lý nhà nước, đẩy khó khăn cho người phải thi hành. “Điều này đã đặt ra yêu cầu cần hoàn thiện hệ thống pháp luật một cách đồng bộ và bảo đảm thi hành luật một cách nghiêm minh”, ông Thảo nhấn mạnh.
Rà soát danh mục kinh doanh có điều kiện
Nhiều ý kiến cho rằng, để bảo đảm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, cần sửa đổi nhiều luật trong đó quan trọng là Luật Doanh nghiệp 2005.
Luật sư Nguyễn Thị Vân, Trưởng phòng Pháp chế Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt cho biết, Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) hiện đã đưa ra những quy định mang tính chất khung đối với các ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện. Nội hàm của vấn đề đã được quy định chi tiết, cụ thể, rõ ràng hơn.
Theo đó, dự thảo luật xác định rõ ngành, nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện được quy định trong luật, pháp lệnh và nghị định và giao Chính phủ ban hành danh mục cụ thể ngành nghề cấm kinh doanh, giao Thủ tướng Chính ban hành danh mục các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh. Đồng thời, định kỳ hàng năm rà soát, đánh giá lại toàn bộ hoặc một phần danh mục này.
Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, trong đó, không ít quan điểm cho rằng, để bảo đảm tính hiệu lực của Hiến pháp, các quy định về quyền tự do kinh doanh như danh mục lĩnh vực cấm kinh doanh, giấy phép, điều kiện kinh doanh chỉ được quy định tại luật, Pháp lệnh do Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, không nên giao cho Chính phủ quy định trong Nghị định. Bởi lẽ, quy định các điều kiện kinh doanh thực chất là hạn chế quyền kinh doanh của công dân. Hơn nữa, nếu giao cho Chính phủ - cơ quan hành pháp quá nhiều quyền có thể sẽ dẫn đến sự ra đời của hàng loạt giấy phép “con” gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của DN, nảy sinh tình trạng lạm dụng và trục lợi, tham nhũng, thậm chí thủ tục hành chính lĩnh vực ấy bị bóp méo.
Thu Phương