Giá tôm nguyên liệu ở Cà Mau biến động theo hướng giảm sâu, dẫn đến gây bất lợi trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm đang là vấn đề được các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp, hợp tác xã quan tâm tại Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm Cà Mau, do Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau tổ chức ngày 22/5.
Giá tôm nguyên liệu giảm sâu
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, giá tôm bắt đầu giảm kể từ tháng 4 và kéo dài đến thời điểm hiện tại. Tính đến ngày 21/5, giá tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg ở mức 80.000 đồng/kg, loại 20 con/kg ở mức 198.000 đồng/kg và tôm sú loại 40 con/kg đạt mức 120.000 đồng/kg, loại 20 con/kg đạt 230.000 đồng/kg. So với cùng kỳ năm 2022, giá tôm giảm sâu nhất là loại tôm sú 40 con/kg (giảm 45.000 đồng/kg), tôm sú loại 30 con/kg giảm 35.000 đồng/kg; tôm thẻ chân trắng loại 20 con/kg giảm 32.000 đồng/kg, tương tự giảm từ 15.000 đồng - 31.000 đồng/kg đối với các zise từ 100 - 25 con/kg.
Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết: kể từ đầu tháng 4 năm 2023 đến thời điểm hiện tại giá tôm nguyên liệu có sự biến động sâu, giá tôm đang ở mức thấp. Thống kê giá tôm qua nhiều năm cho thấy, giá tôm thường giảm sâu trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến nửa đầu tháng 7, sau đó tăng dần trở lại cho đến cuối năm.
Sau tác động của dịch bệnh COVID-19, các nền kinh tế lớn như Mỹ và châu Âu đang lạm phát ở mức cao, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, sức tiêu thụ hàng hóa giảm. Từ đó dẫn đến cung vượt cầu, theo quy luật thị trường thì giá tôm giảm là điều tất yếu.
Thêm nữa, việc xuất khẩu chậm, hàng hoá ứ đọng, tồn kho tại các doanh nghiệp chế biến kéo dài, làm phát sinh chi phí, dòng tiền bị tắc nghẽn nguy cơ nợ quá hạn tại các đơn vị tín dụng là rất lớn, buộc các doanh nghiệp phải bán rẻ, bán lỗ để xoay chuyển dòng tiền, duy trì hoạt động sản xuất.
Thông tin về thị trường xuất khẩu, ông Dương Vũ Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau cho hay, giá xuất khẩu tôm sú 14,99 USD/kg, giảm 5,18% so với cùng kỳ và giá tôm thẻ 8,71 USD/kg, giảm 12,54% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường xuất khẩu lao dốc, đơn hàng giảm sâu, do tình trạng suy thoái kinh tế và lạm phát tại các nền kinh tế lớn như Mỹ và châu Âu... vẫn đang ở mức cao, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, sức tiêu thụ giảm. Hiện nay, chi phí sản xuất tôm của Việt Nam cao hơn các nước như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia... nên doanh nghiệp khó cạnh tranh về giá tại một số thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc, Singapore...
Mặt khác, theo báo cáo các doanh nghiệp hiện nay các tổ chức tín dụng thắt chặt nguồn vốn do thiếu tài sản đảm bảo, một số tổ chức tín dụng lãi suất cao trên 9%/năm, doanh nghiệp khó tiếp cận.
Gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp
Tại hội nghị này, đại diện doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, hợp tác xã, đại lý thu mua tôm trên địa bàn tỉnh Cà Mau nêu ra nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, chế biến xuất khẩu cơ quan chức năng kịp thời thông tin, dự báo đầy đủ, chính xác về tình hình biến động giả cả nguyên liệu, thị trường xuất khẩu; quan tâm hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, người nuôi tôm và có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm khuyến khích, thúc đẩy sản xuất, chế biến xuất khẩu.
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau mong muốn có sự phối hợp hài hòa, gắn kết chặt chẽ của 4 nhà để duy trì hoạt động sản xuất, chế biến xuất khẩu trên tinh thần không để chuổi sản xuất bị đứt gãy. Các sở, ngành, địa phương tăng cường quản lý chặt chẽ doanh nghiệp, đại lý thu mua, ngăn chặn tình trạng ép giá thu mua tôm nguyên liệu và quản lý tốt giá cả, chất lượng con giống, vật tư đầu vào phục vụ cho nuôi tôm.
Ngân hàng Nhà nước và các Ngân hàng Thương mại trên địa bản tỉnh cần linh hoạt trong việc xem xét, hỗ trợ vốn, tạo điều kiện cho cho doanh nghiệp, hợp tác xã, người nuôi tôm được tiếp cận với nguốn vốn ưu đãi để duy trì, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Đến thời điểm đầu tháng 5/2023, lượng hàng lưu trữ tại kho là khoảng 24.540 tấn, trong đó tôm khoảng 20.640 tấn, cá và chả cá khoảng 3.900 tấn. Để tháo gỡ khó khăn trên, ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh cho cho rằng mặt hàng thủy sản của tỉnh đang tồn kho chiếm số lượng khá lớn, trong khi thị trường nội địa thì đang bị bỏ ngõ.
Đồng thời, đề nghị các sở, ngành, doanh nghiệp tập trung khai thác thế mạnh thị trường nội địa, chú trọng nghiên cứu đưa ra thị trường các sản phẩm mới, đa dạng về chủng loại nhằm đáp ứng nhu cầu của đông đảo khách hàng.
Cùng với đó là tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, tận dụng lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Năm 2023, Cà Mau phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 1,3 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu thủy sản đạt trên 1,1 tỷ USD. Trong điều kiện chi phí đầu vào thức ăn, vật tư, giá điện gia tăng cao đòi hỏi các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nuôi tôm cần phải tính toán giảm bớt chi phí vận chuyển, khâu trung gian để đảm bảo sản xuất có lãi.
Về lâu dài, địa phương rà soát kỹ lại sản xuất theo hướng nuôi tôm tập trung, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ nuôi tiên tiến để gia tăng sản lượng, giảm rủi ro trong nuôi tôm. Tỉnh quan tâm đến việc đầu tư xây dựng đường giao thông, đường dây hạ thế điện 3 pha, áp giá điện phù hợp cho các tổ chức, cá nhân nuôi tôm; ưu tiên cho cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư đầu vào phục vụ cho nuôi tôm và các hộ nuôi tôm tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi khi Chính phủ ban hành; có giải pháp về chính sách giảm, miễn thuế đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư đầu vào phục vụ cho nuôi trồng thủy sản trong giai đoạn hiện nay.
Theo ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, tỉnh Cà Mau đã kiến nghị với Chính phủ có chính sách giảm lãi suất ngân hàng, khoanh nợ, ban hành cơ chế chính sách đặc thù ưu đãi cho lĩnh vực nuôi trồng thủy sản; xem xét giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn và các loại sản phẩm phục vụ nuôi tôm.
Đồng thời, có chính sách hỗ trợ hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu trong nước để phục vụ cho sản xuất, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu và rà soát và ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản nhất là về vốn. Các bộ, ngành có liên quan đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại với các đối tác tiềm năng để hỗ trợ doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là tôm Cà Mau.