Từ tháng 9/2011, dòng vốn cho vay khối sản xuất kinh doanh bắt đầu được hé mở theo sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mức lãi suất được các ngân hàng (NH) đồng loạt duy trì ở mức 17 – 19%/năm. Thậm chí, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) còn dành ưu tiên cho một số nhóm ngành nghề vay với lãi suất chỉ 16%/năm. Tuy nhiên trên thực tế, mặc dù lãi suất tín dụng đã hạ nhiệt nhưng không phải doanh nghiệp (DN) nào cũng dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn.
Vẫn chờ ngân hàng giảm lãi suất
Trong bối cảnh khó khăn chung, nhiều DN sản xuất kinh doanh tính toán và đưa ra mức lợi nhuận đạt được chỉ khoảng 20%/năm sau khi đã trừ tất cả các chi phí. Trong khi đó, nếu tích gộp cả việc trích quỹ dự phòng rủi ro và trả lãi cho NH thì DN hết lãi, đó là chưa kể nếu không tính toán chặt chẽ, làm ăn kém hiệu quả thì phá sản là cầm chắc.
Khách hàng làm thủ tục gửi tiền tiết kiệm tại NHTM cổ phần Kỹ Thương Việt Nam. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ đã đưa ra thống kê: Hiện có 20% DN bị phá sản, 60% DN giảm doanh số và phải cắt giảm lao động, số còn lại hoạt động khó khăn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu do DN khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn vay, nhất là khi khung lãi suất vẫn quá cao. Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết: Tại Quảng Bình, chỉ có khoảng 30% các DN vừa và nhỏ vay được vốn từ NHTM. Trong số các DN may mắn vay được tiền thì lãi suất thỏa thuận lên đến 20%/năm là phổ biến.
Không phàn nàn về khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn, nhưng Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Việt Tiến – ông Bùi Văn Tiến cho rằng, mức lãi suất vẫn ở tầm cao ngất ngưởng nên nhiều DN không hào hứng. Chỉ những DN nào không cân đối nổi mới buộc phải đi vay mới, còn tâm lý chung đều hạn chế tối đa các khoản vay. Nếu lãi suất vay trở lại như trước đây, chỉ 11-12%/năm, DN còn dám vay chứ như hiện nay làm bao nhiêu không chắc đã đủ trả lãi NH.
Mẫu số chung trong quan hệ tín dụng
Về chuyện DN chưa thể tiếp cận ngay với dòng vốn sau khi các NH hạ lãi suất cho vay, ông Hoàng Trung Dũng - Giám đốc Maritime Bank Hà Nội lý giải: "Chính sách luôn có độ trễ. Mặt khác, NH cũng phải xem xét kỹ càng những hồ sơ vay vốn nhằm đảm bảo đúng đối tượng".
Trên thực tế, NH cũng là DN, hoạt động kinh doanh dựa trên doanh số huy động vốn từ các thành phần kinh tế để cho vay. Bản thân các NH cũng phải cạnh tranh gay gắt trong việc thu hút nguồn vốn huy động, trong khi dòng tiền của bản thân NH đó cũng chưa thật dồi dào, nhất là đối với những NH nhỏ. Bởi vậy, theo lãnh đạo của một NH, khó có thể yêu cầu các NH đáp ứng hết nhu cầu vay vốn của DN. Nhất là trong tình hình kinh tế hiện nay, lãi suất sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, khó đoán trước nên chưa thể giảm nhanh lãi suất cho vay với tất cả các khách hàng được.
Trong khi đó, không chỉ nhiều DN mà ngay cả các chuyên gia kinh tế cũng đồng tình với kiến nghị các NH cần tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Lý giải cho thấy, lãi suất huy động đầu vào được khống chế nghiêm ngặt 14%/năm, mà lãi suất đầu ra vẫn ở ngưỡng cao (17 – 19%/năm) thì khoảng cách lợi nhuận dành cho các NH vẫn còn có thể cân nhắc để giảm xuống, đem lại lợi ích hài hòa giữa NH và DN.
Theo ông Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ: Nếu nguồn vốn được coi là “đã hạ” so với mặt bằng chung, nhưng vẫn chưa đủ sức hấp dẫn các DN thì cần phải xem xét lại. Phải căn cứ vào thực tế chứ không chỉ đơn thuần giảm theo tỷ lệ nhất định mà không biết hiệu quả đến đâu. Khi đánh giá tổng thể, ngưỡng này vẫn ở mức quá cao, nhất thiết cần có các biện pháp quyết liệt để hạ thì nguồn vốn vay mới đến tay DN. Tất nhiên, việc điều chỉnh cũng cần có lộ trình. Nói cách khác, hiện đang rất cần một tiếng nói chung trong quan hệ tín dụng giữa NH và DN.
Thu Hằng