Con số này chưa có ngân hàng nào công bố. Ước tính số tiền mà các NHTM cam kết sẽ dành cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vay với mức lãi suất hạ đã lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chưa có NH nào thống kê số hồ sơ đã giải quyết cũng như lượng tiền đã giải ngân. Trong khi đó, ngoài việc phàn nàn về mức lãi suất vẫn cao thì nhiều DN cho rằng "dù có gan vay tiền cũng khó tiếp cận nguồn vốn".
Chỉ đạo đơn vị hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực đấu thầu, thi công lắp đặt, kinh doanh các thiết bị phòng cháy chữa cháy, cơ điện – Tổng giám đốc Công ty cổ phần SQ Việt Nam Lý Đình Quân khẳng định: không phải DN nào cũng có thể vay được vốn NH với mức lãi suất trên bởi khó vượt qua quá trình thẩm tra khá khắt khe cùng hàng loạt hệ thống thủ tục. Ngoài việc chứng minh khả năng tài chính, nợ cũ, khả năng trả nợ mới, có hoạt động chuyển – gửi tiền thường xuyên tại NH... thì cũng phải là những “khách hàng ruột” và có quan hệ tốt mới được đáp ứng.
Cùng tại địa bàn Đà Nẵng, Công ty TNHH thực phẩm Minh Anh – đơn vị sản xuất và phân phối rượu Hồng Đào cũng chỉ nghe thông tin lãi suất cho vay đã giảm nhưng vẫn chưa tiếp cận được nguồn “vốn rẻ” này, mặc dù đang có nhu cầu vay để đẩy mạnh sản xuất phục vụ nhu cầu Tết - Giám đốc Nguyễn Thị Anh Đào chia sẻ. Hiện hầu hết các DN chỉ biết thông tin về hạ lãi suất cho vay thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Cuối tháng 9, một công ty sản xuất trong lĩnh vực vật liệu xây dựng tại Hà Nội đã đem hồ sơ tới gõ cửa Techcombank khi có thông tin hé cửa dòng vốn vay ưu đãi. Tuy nhiên, vị giám đốc tên Huy Hoàng của DN này cho biết hồ sơ vẫn đang chờ xem xét, giải quyết. "Nhiều DN vẫn mang tâm trạng thắc thỏm bởi rất dễ bị gạt trong quá trình xét duyệt. Tiền trong tay NH, thẩm định cũng do NH; thiếu gì lý do để DN bị gạt hồ sơ vay vốn", giám đốc Hoàng bộc bạch.
Với mục tiêu ưu tiên số một cho sản xuất nông nghiệp, Agribank đã quyết định bổ sung 15.000 tỷ đồng cho các chi nhánh trên toàn quốc đầu tư cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Hiệp - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu – đối tượng “ưu đãi vốn” của NH này cho biết, đến nay vẫn chưa được vay tiền với lãi suất thấp như vậy vì còn quá nhiều rào cản về thủ tục.
Bởi vậy, giờ đây, với DN đang thực sự khát vốn thì mức lãi suất 17 – 19% vẫn còn xa tầm với. Cùng chung với những khó khăn của nền kinh tế, những hệ lụy từ thiếu vốn đã xảy ra như: nhiều DN phải cắt giảm lao động, nhất là ngành xây dựng; nợ lương người lao động; nợ tiền bảo hiểm xã hội... ảnh hưởng tới các chỉ tiêu an sinh xã hội. Thiếu vốn, nhiều DN phải co hẹp hoặc dừng sản xuất, chuyển giao một phần sở hữu... để tồn tại. Đặc biệt, nhiều DN xuất khẩu đã để mất những đơn hàng lớn và giảm sút uy tín do thiếu vốn sản xuất, không đảm bảo đúng thời hạn giao hàng...
* Vẫn chờ ngân hàng giảm lãi suất
Đó là kỳ vọng của nhiều DN hiện nay, nhất là nhóm DN vừa và nhỏ. Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII, nhiều đại biểu cũng kiến nghị cần có giải pháp tài chính hiệu quả để giúp các DN ổn định sản xuất và phát triển. Đây cũng chính là tạo nguồn thu bền vững trong cơ cấu thu ngân sách nhà nước và rất cần được nuôi dưỡng.
Trong bối cảnh khó khăn chung, nhiều DN sản xuất kinh doanh tính toán và đưa ra mức lợi nhuận đạt được chỉ khoảng 20%/năm sau khi đã trừ tất cả các chi phí. Trong khi đó, nếu tích gộp cả việc trích quỹ dự phòng rủi ro và trả lãi cho NH thì DN hết lãi, đó là chưa kể nếu không tính toán chặt chẽ, làm ăn kém hiệu quả thì phá sản là cầm chắc.
Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ đã đưa ra thống kê: hiện có 20% DN bị phá sản, 60% DN giảm doanh số và phải cắt giảm lao động, số còn lại hoạt động khó khăn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu do DN khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn vay, nhất là khi khung lãi suất vẫn quá cao. Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết: tại Quảng Bình, chỉ có khoảng 30% các DN vừa và nhỏ vay được vốn từ NHTM. Trong số các DN may mắn vay được tiền thì lãi suất thỏa thuận lên đến 20%/năm là phổ biến.
Không phàn nàn về khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn, nhưng Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Việt Tiến – ông Bùi Văn Tiến cho rằng mức lãi suất vẫn ở tầm cao ngất ngưởng nên nhiều DN không hào hứng. Chỉ những DN nào không cân đối nổi mới buộc phải đi vay mới, còn tâm lý chung đều hạn chế tối đa các khoản vay. Nếu lãi suất vay trở lại như trước đây, chỉ 11-12%/năm DN còn dám vay chứ như hiện nay làm bao nhiêu không chắc đã đủ trả lãi ngân hàng.
* Mẫu số chung trong quan hệ tín dụng
Về chuyện DN chưa thể tiếp cận ngay với dòng vốn sau khi các NH hạ lãi suất cho vay, ông Hoàng Trung Dũng - Giám đốc Maritime Bank Hà Nội lý giải "chính sách luôn có độ trễ. Mặt khác, ngân hàng cũng phải xem xét kỹ càng những hồ sơ vay vốn nhằm đảm bảo đúng đối tượng". Bên cạnh đó, DN có vay được hay không còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề khác.
Trên thực tế, ngân hàng cũng là doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh dựa trên doanh số huy động vốn từ các thành phần kinh tế để cho vay. Bản thân các NH cũng phải cạnh tranh gay gắt trong việc thu hút nguồn vốn huy động, trong khi dòng tiền của bản thân NH đó cũng chưa thật dồi dào, nhất là đối với những NH nhỏ. Bởi vậy, cũng khó có thể yêu cầu các NH đáp ứng hết nhu cầu vay vốn của DN. Nhất là trong tình hình kinh tế hiện nay, lãi suất sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, khó đoán trước nên chưa thể giảm nhanh lãi suất cho vay với tất cả các khách hàng được - Lãnh đạo một ngân hàng chia sẻ.
Trong khi đó, không chỉ nhiều DN mà ngay cả các chuyên gia kinh tế cũng đồng tình với kiến nghị các NH cần tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Lý giải cho thấy, lãi suất huy động đầu vào được khống chế nghiêm ngặt 14%/năm, mà lãi suất đầu ra vẫn ở ngưỡng cao (17 – 19%/năm) thì khoảng cách lợi nhuận dành cho các NH vẫn còn có thể cân nhắc để giảm xuống, đem lại lợi ích hài hòa giữa NH và DN.
Theo ông Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ: nếu nguồn vốn được coi là “đã hạ” so với mặt bằng chung, nhưng vẫn chưa đủ sức hấp dẫn các DN thì cần phải xem xét lại. Phải căn cứ vào thực tế chứ không chỉ đơn thuần giảm theo tỷ lệ nhất định mà không biết hiệu quả đến đâu. Khi đánh giá tổng thể, ngưỡng này vẫn ở mức quá cao, nhất thiết cần có các biện pháp quyết liệt để hạ thì nguồn vốn vay mới đến tay DN. Tất nhiên, việc điều chỉnh cũng cần có lộ trình. Nói cách khác, hiện đang rất cần một tiếng nói chung trong quan hệ tín dụng giữa NH và DN.
Việc đồng loạt hạ lãi suất cho vay của các NH trong thời gian qua được đánh giá là động thái tích cực nhằm hé cửa dòng vốn cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Để đối mặt với khó khăn chung, bản thân các DN phải chủ động giải bài toán vốn để duy trì phát triển sản xuất – kinh doanh chứ không thể thụ động ngồi than thở về mức lãi suất quá cao từ các NH.
Là DN hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, Vinaconex lựa chọn cho mình phương án tăng vốn điều lệ. Trong tình hình thiếu vốn chung, Chủ tịch HĐQT Vinaconex Nguyễn Văn Tuân khẳng định, các cổ đông đều thống nhất cùng chia sẻ khó khăn chung với DN, tin tưởng và đồng tình, ủng hộ phương án huy động vốn này tại phiên họp Đại hội cổ đông bất thường cuối tháng 9 vừa qua. Mặc dù biết tăng vốn trong thời điểm này không nhiều thuận lợi nhưng còn hơn là phải vay vốn với lãi suất quá cao như hiện nay.
Vì sự phát triển của bản thân DN cũng như giải quyết được bài toán việc làm với thu nhập ổn định cho người lao động trong thời buổi khó khăn chung của nền kinh tế hiện nay, mỗi DN sẽ có bí quyết vượt khó khăn riêng, nhưng Giám đốc Vinaconex Xuân Mai Đặng Hoàng Huy nhận xét: Ở thời điểm này, mỗi DN nên đánh giá lại tình hình tài chính, hiệu quả sản xuất kinh doanh để xây dựng chiến lược đầu tư sản xuất phù hợp và mở rộng các kênh huy động vốn...
Về phía DN cũng mong muốn ngân hàng chủ động, linh hoạt trong việc áp dụng các biện pháp bổ sung vốn đầu tư, cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, miễn giảm lãi vay... để giúp DN vừa được bổ sung vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, vừa có điều kiện hoàn vốn theo đúng kỳ hạn, giảm tối đa tỷ lệ nợ xấu đối với ngân hàng.
Thu Hằng