Mới sáng sớm, giọng thương lái từ thành phố Rạch Giá chạy chiếc vỏ lãi đến í ới gọi chủ nhà để cân mua ba khía. Anh Lê Minh Kháng, ngụ ấp 6 Biển, xã Nam Thái nhanh chóng đem một giỏ ba khía vừa bắt đêm tối hơn chục kg cho khách. Anh Kháng cho biết, ba khía nuôi tự nhiên nên rất hút hàng, thương lái mua hết mà không phải lựa hay trả giá.
Theo anh Lê Minh Kháng, năm 1992, gia đình nhận khoán 8 ha đất rừng phòng hộ ven biển xã Nam Thái để canh tác với diện tích 70% trồng rừng (cây mắm, cây đước), còn lại diện tích mặt nước 30% nuôi tôm sú, cua, cá…
Lúc đầu, cây đước còn nhỏ, nguồn nước còn sạch nên làm có lãi, dần về sau cây đước càng lớn, mật độ dày nên lá rụng nhiều xuống nước gây ô nhiễm, cộng với triều cường thất thường nên nuôi tôm, cua, cá ngày thua lỗ.
Nhiều người dân ở đây chứ không riêng gì anh không còn mặn mà với con tôm, con cá nữa. Một số hộ bỏ đất trống đi làm thuê nhiều nơi, một số chuyển sang nghề đi biển bắt nghêu, sò ven biển sinh sống.
Thấy tiềm năng từ cây đước trồng trên đất mặn ven biển bỏ hoang, người dân loay hoay không biết nuôi trồng con gì cho thích hợp. Sau nhiều lần đề đạt nguyện vọng chuyển đổi mô hình nuôi về trên, Hội Nông dân tỉnh kết hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Kiên Giang đưa mô hình nuôi ba khía vào nuôi thử nghiệm.
Đầu năm 2017, khi được chọn hộ gia đình anh Lê Minh Kháng được Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang hỗ trợ 14,4 triệu đồng để mua con giống, gia đình anh Kháng đầu tư thêm hơn 25 triệu đồng để mua vôi xử lý độ phèn, bọc cao su khoanh bao 1 ha diện tích đất trong tổng số 8 ha của gia đình nuôi thử nghiệm.
Sau hơn 6 tháng thả nuôi, ba khía thích ứng được với vùng đất nên tỷ lệ sống rất cao, lớn nhanh, trung bình từ 20 - 30 con/kg và được thương lái mua tại nhà với giá 50.000 đồng/kg. Với 1 ha nuôi thử nghiệm thả nuôi 250 kg con giống ban đầu, đến nay gia đình anh Kháng đã thu về khoảng 60 triệu đồng, nhưng vẫn còn chưa thu hoạch hết.
Anh Kháng cho biết, cứ 3 - 4 đêm bắt bán một lần, mỗi lần trung bình từ 15 - 20 kg. Theo anh Lê Minh Kháng, ba khía là loại dễ nuôi, cứ thả vào trong khu vực khoanh nuôi, chúng tự đào hang ở hay leo lên cây, tối bò xuống đất. Nhưng loại ba khía không phải mùa nào cũng bắt được, mà thường từ tháng 8 âm lịch đến tháng 2 âm lịch năm sau hàng năm (khoảng 6 tháng), thu hoạch.
Vì những tháng này thường gọi là “mùa hội”, nên khi con ba khía tối bò ra ngoài nằm trên bờ hoặc leo trên cây đước bắt rất dễ, chúng không bò chạy. Ngược lại, 6 tháng còn lại thì không thu hoạch được vì bắt được một con thì nhiều con khác bò chạy vào hang hay nơi cây đước dày đặc để lẫn trốn.
Theo anh Kháng, sau khi thu hoạch xong đợt ba khía này (khoảng hết tháng 2 âm lịch), anh tiếp tục thả nuôi khoảng 100 kg con giống cho đợt hai, vì bên trong vẫn còn lại đợt trước. Còn về lâu về dài, gia đình anh sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích nuôi ba khía theo hình thức này.
Thế nhưng, với khoảng 40 triệu đồng đầu tư ban đầu là số tiền tương đối cao, trong khi người dân nhận khoáng đất rừng phòng hộ thì không được thế chấp ngân hàng để vay vốn sản xuất.
Vì vậy, anh cũng như nhiều người dân nơi đây kiến nghị các tổ chức hội, đoàn thể xã Nam Thái khi có nguồn vốn thì ưu tiên xét cho hộ dân sinh sống ven biển để có nguồn vốn đầu tư sản xuất, cụ thể là mô hình nuôi ba khía đang đem lại hiệu quả cao.
Ông Phạm Minh Phận, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Thái, huyện An Biên cho biết, quá trình ứng dụng triển khai mô hình nuôi ba khía dưới tán rừng bước đầu đem lại hiệu quả, góp phần phát triển đối tượng nuôi mới cho người dân trong vùng rừng phòng hộ ven biển.
Qua đó, cung cấp cho thị trường sản phẩm có gía trị kinh tế, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Tới đây, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục vận động người dân nhân rộng mô hình này để phát triển kinh tế gia đình. Qua đó, vừa bảo vệ được diện tích rừng phòng hộ, vừa bảo tồn và phát triển nguồn giống ba khía tự nhiên đã có từ lâu ở vùng này.