Australia không áp thuế chống bán phá giá với sản phẩm Amoni nitrat từ Việt Nam

Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, ngày 8/8, Ủy ban chống bán phá giá Australia (ADC) đã chính thức chấm dứt vụ việc điều tra và không áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm Amoni nitrat có xuất xứ từ Lithuania và Việt Nam (vụ việc 605).

Trong vụ việc này, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam đã hợp tác đầy đủ, cung cấp các thông tin dữ liệu theo yêu cầu của Ủy ban chống bán phá giá Australia, góp phần quan trọng vào kết quả tích cực của vụ việc.

Theo Cục Phòng vệ thương mại, các hoạt động điều tra phòng vệ thương mại của Australia cũng được đánh giá là tương đối khách quan, minh bạch, có xem xét đầy đủ các thông tin, dữ liệu do Việt Nam cung cấp, tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam có cơ hội tiếp tục xuất khẩu vào thị trường này.

Trước đó, ngày 30/5/2023, ADC đã ban hành Kết luận sơ bộ trong vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm Amoni nitrat có xuất xứ từ Lithuania và Việt Nam (vụ việc 605) và cho rằng Amoni nitrat có xuất xứ từ Lithuania và Việt Nam có bán phá giá trong giai đoạn điều tra (từ 1/4/2021 đến 31/3/2022). 

Tuy nhiên, sau khi phân tích về thiệt hại, ADC kết luận sản phẩm Amoni nitrat có xuất xứ từ Lithuania và Việt Nam không gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đối với ngành sản xuất nội địa của Australia.Chính vì vậy, ADC đề xuất không áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm Amoni nitrat có xuất xứ từ Liathuania và Việt Nam.

Theo Cục Phòng vệ thương mại, sản phẩm Amoni nitrat được nhập khẩu từ Lithuania và Việt Nam chỉ chiếm lần lượt khoảng 0,8% và 0,2% thị phần Amoni nitrat tại Australia. Vụ việc được ADC khởi xướng vào ngày 8/6/2022 với 3 nước là Chile, Lithuania và Việt Nam. Tháng 8 năm 2022, ADC thông báo chấm dứt điều tra với Chile do nước này không xuất khẩu sản phẩm Amoni nitrat trong giai đoạn điều tra.

Cục Phòng vệ thương mại cho biết trong quá trình tham gia vụ việc, doanh nghiệp sản xuất Amoni nitrat của Việt Nam đã hợp tác đầy đủ, cung cấp thông tin cho ADC, bao gồm cả bản câu hỏi điều tra và thẩm tra xác minh thông tin.

Theo kế hoạch, thời hạn các bên gửi bình luận đối với Kết luận sơ bộ (Statement of Essential Facts-SEF) trong vòng 20 ngày kể từ ngày công bố SEF (dự kiến đến ngày 19/6/2023).

Thời gian ADC ban hành kết luận điều tra cuối cùng vào 8/8/2023; ngày Bộ trưởng Công nghiệp, Khoa học, Năng lượng và Tài nguyên Australia chính thức ra Quyết định (dự kiến) trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được Kết luận điều tra cuối cùng. 

Tài liệu và Thông tin liên quan tới vụ việc được ADC đăng tải tại địa chỉ:  https://www.industry.gov.au/regulations-and-standards/anti-dumping-and-countervailing-system/anti-dumping-commission-current-cases/605

Uyên Hương (TTXVN)
Áp thuế chống bán phá giá đường mía Thái Lan
Áp thuế chống bán phá giá đường mía Thái Lan

Bộ Công thương vừa có quyết định về kết quả rà soát lần thức nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN