Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã biểu dương các Ban Quản lý dự án có kết quả giải ngân tốt trong tháng trước tiếp tục phát huy hiệu quả giải ngân trong tháng 5/2022 như: Ban Quản lý dự án Thăng Long, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, Ban Quản lý các dự án Đường thủy… Kết quả này góp phần đưa kết quả giải ngân bình quân chung của ngành giao thông vận tải cao hơn bình quân chung cả nước (khoảng 5%).
Tuy nhiên, Bộ trưởng không hài lòng khi một số đơn vị vẫn chưa đảm bảo giải ngân theo kế hoạch như: Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận chậm 380 tỷ đồng; Sở Giao thông vận tải Đồng Tháp chỉ giải ngân được 7 tỷ đồng, đạt 1,8% kế hoạch; Sở Giao thông vận tải Tuyên Quang giải ngân được 2,4 tỷ đồng, đạt 1,2% kế hoạch...
Lý giải về vấn đề chậm giải ngân, ông Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, nguyên nhân do kết quả đấu thầu dự án Tân Vạn - Nhơn Trạch bị chậm. Trong tháng 6 tới, đơn vị tiếp tục triển khai 5 dự án; trong đó, 3 dự án đang thi công (tuyến tránh Long Xuyên, Mỹ Thuận - Cần Thơ, đường cất hạ cánh Tân Sơn Nhất) sẽ tập trung đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh sản lượng.
“Riêng dự án chuẩn bị thi công là Tân Vạn - Nhơn Trạch, sau khi vấn đề tài chính được giải quyết thì dự kiến trong tháng 6/2022, thủ tục tạm ứng cho nhà thầu được khơi thông. Ban sẽ giải ngân được khảng 350 tỷ đồng. Giải quyết được khối lượng bị chậm trong tháng 5/2022, mục tiêu Ban đề ra là đến hết tháng 6 tới khối lượng giải ngân đạt khoảng 1.958 tỷ đồng, đạt khoảng 52% kế hoạch vốn”, ông Tuấn thông tin.
Trong khi đó, đại diện Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, áp lực giải ngân của đơn vị đang tập trung chủ yếu vào dự án tuyến tránh Quốc lộ 30 với kế hoạch vốn được bố trí khoảng 420 tỷ đồng. Dự án đã tồn tại khoảng 10 năm nay, địa hình và giải pháp kỹ thuật có một số vấn đề phải rà soát, Sở vẫn đang đeo bám và làm việc với tư vấn đẩy nhanh tiến độ hồ sơ.
“Dự kiến trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 8/2022, cả 3 gói thầu dự án sẽ tổ chức đấu thầu để sớm hoàn thiện thủ tục tăng khối lượng giải ngân dự án”, đại diện Sở Giao thông Vận tải Đồng Tháp cho hay.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, từ nay đến cuối năm khối lượng giải ngân của Bộ còn hơn 35.000 tỷ đồng, bình quân giải ngân 5.000 tỷ đồng/tháng. Để đáp ứng yêu cầu, các Ban Quản lý dự án và chủ đầu tư cần tập trung xác định nhu cầu giải ngân ở dự án nào, chủ đầu tư nào. Tổng hợp lại kế hoạch giải ngân từng tháng và từng dự án, không để dồn vào cuối năm do bước vào mùa mưa việc giải ngân sẽ rất khó khăn.
Theo đại diện Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Giao thông vận tải), trên cơ sở kế hoạch vốn được giao, Bộ Giao thông vận tải đã giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 cho các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án qua 4 đợt với tổng số 45.343 tỷ đồng, đạt 90,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Lũy kế hết tháng 5/2022, khối lượng giải ngân của Bộ Giao thông vận tải đạt 15.080 tỷ đồng, đạt 34,9% kế hoạch đã giao chi tiết và đạt 29,8% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.
Liên quan đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các Ban Quản lý dự án tập trung tối đa cho công tác thẩm tra, thẩm định, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm.
Mặc dù tiến độ và giải ngân tốt, song chất lượng và thủ tục xây dựng cơ bản rất quan trọng. Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bộ trưởng dành sự quan tâm lớn đối với 4 dự án phải hoàn thành trong năm 2022 gồm: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.
Với các dự án này, Bộ trưởng yêu cầu các Ban Quản lý dự án quyết liệt hơn nữa thông qua giải pháp cắt chuyển khối lượng, kiên quyết với nhà thầu yếu kém, "giải cứu" tiến độ các gói thầu là cần thiết, song cũng phải tuân thủ đúng theo hợp đồng và thủ tục, nhất là giao cho nhà thầu khác phải theo quy định về năng lực.
Trước mắt, các Ban Quản lý dự án phải ký hợp đồng với Trung tâm khí tượng thủy văn các tỉnh, thành phố cung cấp thông tin thời tiết trong tháng, diễn biến khu vực có dự án để có sự đánh giá, xác định thời gian thi công, xây dựng kế hoạch điều hành sát với thực tiễn.
Báo cáo về tình hình thực hiện các dự án, ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cho biết, đối với các dự án đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, hiện có 48/64 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư. Đến nay, 14/48 dự án đã được phê duyệt, số dự án còn lại dự kiến phê duyệt trước ngày 30/6/2022.
Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đặc biệt lưu ý vấn đề thủ tục chuyển đổi đất rừng, đánh giá tác động môi trường, bàn giao hồ sơ mặt bằng cho địa phương. Cụ thể, bàn giao rồi không có nghĩa là hoàn thành mà phải cử cán bộ theo dõi địa phương đã thực hiện đo đạc chưa; mỏ đất, mỏ vật liệu và bãi thải không được lặp lại như giai đoạn I. Các điều kiện phải được thực hiện đảm bảo hiệu quả cao nhất để đáp ứng mốc thời gian phê duyệt dự án trước ngày 30/6 theo chỉ đạo của Chính phủ.