Anh, Đức bất đồng về ngân sách cho EU

Thủ tướng Đức Angela Merkel vừa lên tiếng cảnh báo nước này sẽ tìm cách hủy cuộc họp thượng đỉnh về vấn đề ngân sách của Liên minh châu Âu (EU), dự kiến được tổ chức vào ngày 22-23/11 tới nếu Thủ tướng Anh David Cameron vẫn quyết tâm phủ quyết bất cứ thỏa thuận nào liên quan đến việc tăng ngân sách cho EU.

 

Thủ tướng Mécken hiện vẫn đang nỗ lực thuyết phục người đồng cấp Anh ủng hộ thỏa hiệp của Đức, theo đó ngân sách của EU sẽ được giới hạn ở mức 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước thành viên. Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra đề nghị mức chi tiêu là hơn 1 tỷ ơrô, tương đương gần 1,1% GDP của EU, cho giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2020.

 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 

Theo tờ "Thời báo Tài chính" (Anh), tại cuộc họp thượng đỉnh của EU diễn ra hồi tuần trước, Thủ tướng Camơrôn đã thẳng thừng tuyên bố sẵn sàng bỏ phiếu phủ quyết bất cứ thỏa thuận nào liên quan đến việc tăng ngân sách cho EU. Ông nhấn mạnh rằng Anh không thể để ngân sách chi tiêu của EU cứ tiếp tục tăng khi mà nước này vẫn đang phải đưa ra những quyết định khó khăn ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Theo các quan chức EU, ông Camơrôn sẽ được coi như một "người hùng" ở trong nước vì đã kiên quyết hạn chế chi tiêu của EU, song nếu nước này bỏ phiếu phủ quyết sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực trong lĩnh vực ngoại giao, bởi vì chưa đầy một tháng sau đó sẽ diễn ra cuộc họp thượng đỉnh EU bàn về việc xây dựng một liên minh ngân hàng.

 

Dự kiến, bà Mécken sẽ có cuộc gặp với ông Camơrôn tại thủ đô Luân Đôn vào đầu tháng tới và vấn đề ngân sách của EU sẽ là trọng tâm của cuộc gặp này.
Thủ tướng Đức rất muốn đạt được thỏa thuận về vấn đề ngân sách của EU tại cuộc họp thượng đỉnh vào tháng 11 nhằm mở đường cho các cuộc đàm phán tiếp theo về giải quyết cuộc khủng hoảng ở Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vào tháng sau đó. Đề nghị của Đức hiện đang nhận được sự ủng hộ của ít nhất 6 quốc gia thành viên EU khác là Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Áo, Phần Lan và Cộng hòa Séc. Hai thành viên EU khác là Pháp và Italia cũng ủng hộ đề xuất của Đức, nhưng không thực sự mạnh mẽ.

 

Trong khi đó, 15 nước khác lại ủng đề xuất của EC tăng ngân sách nhằm thúc đẩy sự phát triển và năng lực cạnh tranh kinh tế ở các nước nghèo hơn trong EU.

 

 

TTXVN/Tin tức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN