Cuộc xung đột Nga-Ukraine, các lệnh trừng phạt Nga, cùng với việc các cảng ở Biển Đen bị phong tỏa, đang khiến gần 30% xuất khẩu lúa mỳ toàn cầu, 18% xuất khẩu ngô và hơn 70% xuất khẩu dầu hướng dương bị chặn lại. Những yếu tố này đang đẩy giá các sản phẩm nông nghiệp tăng cao, đe dọa an ninh lương thực và ổn định chính trị trên thế giới. Để "quả cầu tuyết" thôi lăn, các nước cần một giải pháp đồng bộ với sự phối hợp của các bên tham gia thị trường lương thực, đánh giá lại tình hình sản xuất lương thực ở nhiều cấp độ, cách mạng hóa các phương pháp sản xuất nông nghiệp hay các dự án phục hồi nông nghiệp và lương thực như FARM của Liên minh châu Âu (EU).
"Quả cầu tuyết" là một khái niệm được dùng để chỉ cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay. "Quả cầu tuyết" bắt đầu những vòng lăn chậm rãi đầu tiên từ trước đại dịch, dần tăng tốc mạnh mẽ trong bối cảnh dịch bệnh, suy thoái kinh tế, biến đổi khí hậu và quả cầu này trở nên không kiểm soát được trước xung đột Nga-Ukraine.
Nguy cơ khủng hoảng lương thực kéo dài
Nga và Ukraine nằm trong số các quốc gia xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới. Chỉ riêng hai nước này đã chiếm đến 27% sản lượng xuất khẩu lúa mỳ toàn cầu từ năm 2016 đến năm 2020, và 16% sản lượng ngô.
Tình trạng khủng hoảng lương thực hiện nay dự báo có thể tiếp diễn trong 12-18 tháng tới, dẫn đến nguy cơ mất an ninh lương thực toàn cầu và những hậu quả chính trị ở một số quốc gia. Cuộc khủng hoảng này cũng làm gia tăng xu hướng đầu cơ tích trữ hàng nông sản, khiến giá cả tăng mạnh. Chỉ số giá ngũ cốc của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) trong tháng 3/2022 đạt mức cao nhất từng được ghi nhận kể từ năm 1990, tăng hơn 17% so với tháng Hai.
Theo tính toán của FAO, giá lúa mỳ, ngô và hạt có dầu, ba thành phần chính của chỉ số giá thực phẩm cơ bản, đang tăng vọt. Chỉ số này hiện đã vượt qua mức kỷ lục được ghi nhận vào năm 1961. Trong 60 năm qua, giá các loại thực phẩm cơ bản này chưa bao giờ cao như hiện nay.
Lạm phát nông nghiệp sẽ giáng một đòn rất mạnh vào an ninh lương thực thế giới. FAO ước tính rằng sẽ có hơn 800 triệu người rơi vào cảnh thiếu ăn. Thậm chí xung đột Ukraine có khả năng khiến con số này tăng từ 7 đến 13 triệu người, chủ yếu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và khu vực phía Nam Sa mạc Sahara. Riêng ở khu vực Sahel thuộc châu Phi, vốn đã thiếu lương thực do biến đổi khí hậu, hạn hán, xung đột địa phương và đại dịch COVID-19, cuộc khủng hoảng đã ở mức “đặc biệt nghiêm trọng”. Tình trạng đói và suy dinh dưỡng có thể ảnh hưởng đến 38,3 triệu người trong tháng Sáu tới nếu không triển khai các biện pháp thích hợp, theo cảnh báo của FAO.
Châu Âu cũng phải đối mặt với nguy cơ thiếu lương thực. Ở cấp độ khu vực, EU hiện đang thiếu các phương tiện can thiệp và cũng không còn nguồn dự trữ lương thực chiến lược nào. Ở cấp độ toàn cầu, hiện cũng đang thiếu một hệ thống phối hợp quản lý các nguồn dự trữ để điều tiết thị trường. Trong bối cảnh này, chỉ có các nhà khai thác tư nhân lớn, nắm giữ phần lớn nguồn dự trữ lương thực là có lợi. Không có sự điều tiết, sẽ không có ai kiềm chế sự tăng giá trên thị trường và điều này dẫn đến nguy cơ phát triển tình trạng đầu cơ tích trữ là rất cao.
Thiếu sự phối hợp chung
Theo tính toán của các chuyên gia, trong ngắn hạn, nguồn lương thực dự trữ có thể giúp giải quyết nạn đói tạm thời. Nhưng về lâu dài, cần có những giải pháp đồng bộ với sự phối hợp của tất cả các bên. Hiện nay các giải pháp đưa ra đang mang tính cục bộ, thiếu sự phối hợp chung.
Ví dụ, nhiều nước đang tìm cách tổ chức lại các thị trường nội địa của mình để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Argentina đã công bố áp thuế đối với xuất khẩu khô dầu đậu nành. Nga đã chặn các chuyến hàng ngũ cốc và đường đến Belarus và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á. Sự gia tăng của các hành động này đang góp phần làm tăng thêm căng thẳng trên thị trường nông sản quốc tế.
Theo các chuyên gia Pháp, an ninh lương thực không nên chỉ dựa vào thị trường nội địa và nỗ lực tự chủ hoặc tự cung tự cấp của mỗi quốc gia hoặc khu vực. Các thị trường quốc nội này chỉ nên đóng vai trò bổ sung cho nhau để tạo nên một thị trường quốc tế bình ổn đối với các mặt hàng nông sản cơ bản.
Để đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực sắp tới, hành động mang tính quyết định nhất là đánh giá lại tình hình sản xuất lương thực từng địa phương và tổ chức các thị trường khu vực và quốc tế. Biện pháp này cần được xây dựng ở cấp lãnh thổ thông qua các phương pháp tiếp cận nhiều bên liên quan. Ví dụ, ở nhiều nước Tây Phi, các loại cây lương thực (sắn, kê, cao lương...) đối mặt với sự cạnh tranh từ các cây công nghiệp (cao su, cọ dầu...). Việc đánh giá lại những cây lương thực này góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho cả những gia đình sản xuất, và cho cả những người tiêu thụ ở thành thị.
Xung đột Ukraine một lần nữa đặt ra câu hỏi về các mô hình nông nghiệp mà hệ thống lương thực toàn cầu đang dựa vào. Khủng hoảng thị trường bộc lộ tính dễ bị tổn thương của các mô hình quá chuyên biệt, việc sử dụng hóa chất một cách thiếu trách nhiệm để tăng năng suất kịch trần, khai thác quá mức nguồn nước và tài nguyên thiên nhiên.
Do đó, nhu cầu cấp bách hiện nay là cách mạng hóa các phương pháp sản xuất nông nghiệp, nhằm mục đích sản xuất tốt hơn, bằng cách dựa vào sự đa dạng của môi trường sống, kiểm soát sinh học thay vì sử dụng các sản phẩm kiểm soát thực vật, tăng cường lớp phủ thực vật, bón phân hữu cơ...
Nông học là chìa khóa để duy trì bền vững sản lượng cao và chống lại các tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu. Điều này cũng liên quan đến việc định hướng lại ưu tiên trong các chính sách phát triển và đầu tư để mang lại lợi ích cho người nông dân, nền tảng cơ bản mà an ninh lương thực thế giới cần dựa vào. Nguy cơ rình rập của một cuộc khủng hoảng lương thực đang mang lại cho mô hình này một vị thế đặc biệt.
FARM - sứ mệnh phục hồi nông nghiệp và lương thực
Để đối phó với nguy cơ mất an ninh lương thực, EU mới đây đã đưa ra “Sứ mệnh phục hồi nông nghiệp và lương thực” (FARM). Được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Chủ tịch luân phiên EU công bố tại hội nghị Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vào tháng 3/2022, sáng kiến này tương đương với cơ chế phân phối lại vaccine COVAX trong lĩnh vực thực phẩm.
Đây là dự án mà EU muốn hướng tới nhằm giảm bớt căng thẳng lương thực toàn cầu do cuộc xung đột ở Ukraine gây ra. Viết tắt là FARM (Food and agriculture résilience mission), “Sứ mệnh phục hồi nông nghiệp và lương thực” có thể giúp chống lại nạn đói và những hậu quả chính trị mà thảm họa này có khả năng gây ra trong thời gian tới.
Dự án này cũng nhằm hạn chế rủi ro từ đầu cơ, ngăn cản âm mưu dùng nông nghiệp, và rộng hơn là an ninh lương thực làm vũ khí chiến tranh, đồng thời duy trì nguồn cung cấp lương thực thế giới với giá cả phải chăng. Đây là một mục tiêu chính mà chương trình nhắm tới.
Việc thực hiện chương trình phản ánh một bước phát triển của chiến lược châu Âu nhằm đối phó với các cuộc khủng hoảng lương thực. Bên cạnh việc tập trung vào sản xuất lương thực thực phẩm, chương trình có tham vọng triển khai dựa trên các đòn bẩy khác, đặc biệt là các đòn bẩy thương mại.
Một trong những trụ cột của chương trình là làm cho thị trường nông sản hoạt động hiệu quả hơn trên quy mô toàn cầu, bằng cách chống đầu cơ và các quy định cấm xuất khẩu, đồng thời duy trì tính minh bạch đối với nguồn dự trữ lương thực và điều tiết giá cả.
Trên hết, cơ chế này nhằm thực hiện đoàn kết quốc tế bằng cách điều phối việc tái phân phối lương thực và tăng cường đối thoại giữa các nước xuất khẩu và các nước dễ bị tổn thương. Đồng thời, FARM có kế hoạch hỗ trợ sản xuất nông nghiệp ở Ukraine và tăng cường năng lực sản xuất của các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng lương thực và hỗ trợ các quốc gia đặc biệt bị ảnh hưởng do mất an ninh lương thực.
Tuy nhiên, sáng kiến này hiện vẫn đang chưa thu hút được sự tham gia của các quốc gia chủ chốt, vốn là trụ cột trong việc tái phân bổ lương thực. Ngoài EU, hiện mới chỉ có ba cơ quan Liên hợp quốc cam kết hỗ trợ sáng kiến này.
Về mặt thương mại, FAO đã thực hiện chống đầu cơ bằng cách khuyến khích tính minh bạch trong dự trữ ngũ cốc. Về phần mình, Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế đã tự đặt cho mình nhiệm vụ “đầu tư vào các quốc gia có thể gặp khó khăn”. Giám đốc Điều hành của Chương trình Lương thực Thế giới đã kêu gọi "các nhà lãnh đạo thế giới" hành động để hỗ trợ các nhóm dân số dễ bị tổn thương.
Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, Jean-Yves le Drian, đã hy vọng sẽ thiết lập “một tổ chức, một hệ thống và một cơ chế điều phối” với sự hợp tác của G7 trước cuối tháng 6/2022. Tuy nhiên, việc triển khai và thành công của chương trình còn phụ thuộc vào sự tham gia của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), như Ấn Độ và Trung Quốc, những nước có trữ lượng ngũ cốc lớn hàng đầu thế giới.