Thông tin kinh tế Nhật Bản trượt vào suy thoái đã thu hút sự chú ý của các nhà kinh tế và các nhà hoạch định chính sách của Ấn Độ.
Đối với Ấn Độ, chính sách tiền tệ nới lỏng của Tokyo một phần là do ảnh hưởng của việc rút dần chương trình nới lỏng định lượng tiền tệ của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FeD).
Kinh tế Nhật trượt vào suy thoái trong lúc nhiều chuyên gia dự đoán nền kinh tế này sẽ hồi phục sau khi tuột dốc trong giai đoạn quý II năm 2014. Mức tiêu thụ trong nước của Nhật Bản suy giảm do dân số suy giảm và ngày càng già hóa. Mặc dù thu nhập hộ gia đình đã tăng hơn nhiều so với một thập niên trước đây, song những người làm công ăn lương vẫn ngày càng khó khăn trong việc trang trải các chi phí sinh hoạt. Trong khi đó, các nhà sản xuất trong nước lại bị mất đà do chuyển hướng sản xuất sang các thị trường giá rẻ hơn ở nước ngoài.
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, điều nguy hiểm hơn đối với Ấn Độ là “sức khoẻ” của lĩnh vực công ty Nhật Bản. Trong chuyến thăm Nhật Bản 5 ngày, từ ngày 30/8/2014, Thủ tướng Narendra Modi đã nhận được cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 35 tỷ USD từ Nhật Bản trong 5 năm tới. Ấn Độ cần vốn để tăng tỷ lệ đầu tư lên trên 40% GDP, đặc biệt đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng. Bên cạnh đó, FDI đưa nguồn ngoại tệ quan trọng vào Ấn Độ sẽ góp phần mang lại lợi ích kinh tế và chiến lược cho nước này.
Do vậy, thông tin tỷ lệ tăng trưởng thực tế hàng năm của Nhật Bản từ tháng 7-9/2014 chỉ đạt 1,6%, quý suy giảm thứ hai liên tiếp, khiến Ấn Độ không thể làm ngơ.
Tác động của cuộc suy thoái kinh tế Nhật càng phủ thêm bóng mây lên triển vọng kinh tế toàn cầu trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu trì trệ (đã chững lại ở mức 7,5% năm 2014 so với mức tăng 10,4% năm 2010), trong khi các nước châu Âu khó tăng trưởng thuận lợi. Trong số các nền kinh tế lớn, chỉ có Mỹ và Anh đang có mức tăng trưởng khá, song giới chuyên gia chưa biết liệu đà này sẽ kéo dài được bao lâu. Sự suy yếu của kinh tế Nhật Bản có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng của nhiều khu vực khác nếu các doanh nghiệp cắt giảm đầu tư và hạn chế nhập khẩu những mặt hàng như máy móc, linh kiện điện tử và nguyên liệu thô.
Minh Lý (P/V TTXVN tại New Delhi)