Theo bài báo, những động lực thúc đẩy tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam là lĩnh vực sản xuất theo hướng xuất khẩu, đầu tư gia tăng và thương mại mở rộng, bất chấp sự bùng phát các ca bệnh COVID-19 ở một số nước láng giềng.
Những cải cách đang diễn ra nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và sự tham gia của Việt Nam vào các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) đa phương bao gồm gần như tất cả các nền kinh tế tiên tiến sẽ “tiếp thêm nhiên liệu” cho đà tăng trưởng.
Bài báo nhấn mạnh lĩnh vực công nghiệp, vốn có sự khởi đầu mạnh mẽ trong quý I/2021, được dự báo tăng 9,5% trong năm nay, đóng góp 3,5% cho tăng trưởng GDP. ADB cho rằng sự phục hồi kinh tế của các đối tác thương mại lớn sẽ làm gia tăng nhu cầu xuất khẩu trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam.
Tác giả bài báo cũng nhận định lĩnh vực xây dựng sẽ tăng trưởng nhanh chóng khi Chính phủ Việt Nam tiếp tục đẩy nhanh các dự án cơ sở hạ tầng lớn trong năm nay và áp dụng lãi suất thấp khuyến khích phát triển lĩnh vực bất động sản. Lĩnh vực dịch vụ cũng được kỳ vọng phục hồi ở mức 6% trong năm nay, đóng góp 2,3% cho tăng trưởng GDP. Quá trình chuyển đổi số, sự gia tăng chi tiêu cho vaccine phòng COVID-19, tâm lý kinh doanh được cải thiện và lãi suất thấp là những yếu tố góp phần thúc đẩy tăng trưởng trong năm nay.
Về nông nghiệp, ADB đánh giá lĩnh vực này của Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong năm nay nhờ có những cải cách liên tục về cơ cấu, khả năng tiếp cận thị trường lớn hơn đối với các nông sản xuất khẩu theo các FTA khu vực, và giá lương thực trên toàn cầu cao hơn do nhu cầu tăng.
Hiệu quả của các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Việt Nam và Luật Đầu tư, được thông qua hồi tháng 1/2021 nhằm cắt giảm bớt những thủ tục kinh doanh rườm rà, được kỳ vọng sẽ thu hút hơn nữa đầu tư nước ngoài. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký trong quý I/2021 tăng 17,8% so với cùng kỳ năm ngoái. ADB nhận định tăng trưởng đầu tư toàn diện sẽ được thúc đẩy hơn nữa nhờ đầu tư tư nhân, vốn đã tăng lên đáng kể, cũng như được khuyến khích bởi lãi suất thấp và chi tiêu công tăng.
Theo ADB, thương mại tiếp tục được đánh giá là phát triển mạnh trong năm nay, được hỗ trợ bởi sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ ở Trung Quốc và Mỹ - hai đối tác thương mại lớn của Việt Nam, cũng như nhờ tác động từ 15 hiệp định tự do thương mại (FTA) lớn mà Việt Nam tham gia. Trong quý I/2021, Việt Nam đã đạt được khoảng 2 tỷ USD thặng dư thương mại hàng hóa, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 34,3% và sang Mỹ tăng 32,8%. Xuất khẩu hàng hóa trong năm nay và năm 2022 được dự báo đều tăng 8%.
Chính sách tài khóa nới lỏng của Việt Nam vẫn được duy trì do nhu cầu chi tiêu cho an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe, tiêm chủng và cho những hỗ trợ tài chính bổ sung có thể có. Điều này được cho là sẽ góp phần khiến thâm hụt tài chính vượt quá mục tiêu thâm hụt dự kiến 4% GDP trong năm nay. Giá dầu mỏ quốc tế tăng và tiêu dùng trong nước tăng cũng được cho là sẽ đẩy lạm phát lên mức 3,8% trong năm nay và 4% trong năm 2022.
Giám đốc ADB phụ trách Việt Nam Andrew Jeffries cảnh báo: “Vẫn còn những nguy cơ đáng kể trong năm 2021 và năm tiếp theo, trong đó có sự xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và sự chậm trễ trong chương trình tiêm vaccine”. ADB đánh giá việc triển khai tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 đang chững lại trên toàn cầu có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng Việt Nam có thể quay trở lại con đường tăng trưởng mạnh mẽ như trước đại dịch do sự phụ thuộc vào nhu cầu bên ngoài.
ADB cho rằng sự phục hồi nhanh chóng của đầu tư tư nhân trong nước có thể làm tồi tệ thêm nguy cơ về những bong bóng tài sản, nếu tín dụng không được rót vào những lĩnh vực hữu ích. Việt Nam có thể duy trì tăng trưởng bao trùm bằng việc giảm nhẹ tác động của đại dịch đối với người nghèo và thu nhập.
ADB hối thúc Chính phủ Việt Nam thực hiện một chiến lược bền vững lâu dài để giúp người nghèo và người dễ bị tổn thương đa dạng hóa sinh kế thông qua các biện pháp như đào tạo nghề, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn tài chính nhỏ để hỗ trợ cho các công việc kinh doanh mới của họ.