ADB: Ba cách để trao quyền cho các doanh nghiệp của phụ nữ ở Việt Nam 

Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đã và đang trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Việc thúc đẩy sự hình thành và phát triển của những doanh nghiệp này là xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới. 

Ở Việt Nam, phụ nữ sở hữu đến 24% số doanh nghiệp. Phụ nữ và nữ doanh nhân đã được ghi nhận và khuyến khích tham gia hoạt động kinh tế thông qua các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). 

Nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, chuyên gia chính về Phát triển Khu vực tư nhân của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Donald Lambert đã có bài viết chỉ ra những ưu tiên mà các doanh nghiệp cần thực hiện để có thể trao quyền lớn hơn nữa cho các doanh nghiệp của phụ nữ ở Việt Nam.

Chú thích ảnh
Chuẩn bị tiền mặt cho khách hàng vay vốn tại Vietcombank chi nhánh Hà Nội (2014). Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Những rào cản về tài chính

Trong bài viết, chuyên gia Donald Lambert cho rằng tại Việt Nam, các DNVVN do phụ nữ làm chủ đang phải đối mặt với những rào cản về tài chính. 

Theo chuyên gia, các DNVVN do phụ nữ làm chủ có khả năng vay ngân hàng thấp hơn đến 10 điểm phần trăm so với những doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh tương tự do nam giới điều hành. Thậm chí, khi họ có được khoản vay thì số tiền cho vay thường nhỏ hơn và có kỳ hạn ngắn hơn. Trung bình, DNVVN do nam giới làm chủ có thể vay với kỳ hạn dài hơn đến 19% so với những doanh nghiệp có người đứng đầu là phụ nữ. 

Những hạn chế này không chỉ là vấn đề của các nữ doanh nhân mà nhìn xa hơn, đây là vấn đề đối với Việt Nam. Không được cấp đủ vốn một cách có hệ thống, các DNVVN do phụ nữ làm chủ không thể tối ưu hóa đóng góp của mình vào tăng trưởng kinh tế-xã hội của đất nước.

Chuyên gia Donald Lambert cho rằng vấn đề này không thể đơn giản được giải quyết thông qua việc tái phân bổ vốn giữa các ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp. 

Một giải pháp xác thực đòi hỏi cần có luật. Năm 2017, Việt Nam đã thực hiện một bước quan trọng với việc thông qua Luật Doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó nêu ra định nghĩa về các DNVVN do phụ nữ làm chủ và ưu tiên cho họ khi triển khai các biện pháp hỗ trợ của chính phủ. 

Ngoài ra, các nữ doanh nhân cũng cần nâng cao năng lực của chính mình. Việc này có thể được thực hiện thông qua nhiều hình thức đào tạo khác nhau, tùy thuộc vào quy mô và quỹ đạo tăng trưởng của doanh nghiệp, để hướng đến mục đích cuối cùng là cung cấp cho phụ nữ những kỹ năng giao dịch thành công với ngân hàng và các nhà cung cấp vốn khác.

Ba ưu tiên cần có

Các hiệp hội kinh doanh và tổ chức phát triển, gồm cả Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đã và đang hỗ trợ việc đào tạo này. Tuy nhiên, để thực sự hiệu quả, những biện pháp này cũng đòi hỏi sự chuyển đổi từ chính các ngân hàng.

Thông qua khoản viện trợ do Quỹ Sáng kiến Tài chính dành cho Nữ doanh nhân, ADB đã làm việc với các ngân hàng Việt Nam về những đánh giá chênh lệch giới, nhằm giúp các ngân hàng hiểu rõ hoạt động của mình phục vụ cho phụ nữ ra sao và làm thế nào để tăng cường những hoạt động này. 

Dựa vào đó, ADB đã chỉ ra 3 ưu tiên các doanh nghiệp cần thực hiện để có thể trao quyền lớn hơn cho các doanh nghiệp của phụ nữ ở Việt Nam.

Ưu tiên đầu tiên là chiến lược. Khi ban lãnh đạo của một ngân hàng xác định rằng phụ nữ là ưu tiên chiến lược, một chu trình cải thiện thái độ sẽ được ưu tiên. Các chương trình đào tạo cần bảo đảm rằng nhân viên ngân hàng hiểu được những thiên kiến công khai và tiềm ẩn cũng như nhu cầu khác biệt của các doanh nhân nữ.

Vì phụ nữ có thể cảm thấy thoải mái hơn khi giao dịch với những phụ nữ khác, nên việc tuyển dụng của ngân hàng có thể cần thu hút nhiều ứng viên nữ hơn. Các ngân hàng cũng có thể cần sửa đổi các tài liệu tiếp thị và theo đuổi các quan hệ đối tác chiến lược mới với đối tượng là các DNVVN do phụ nữ làm chủ.

Ưu tiên thứ hai là dữ liệu. Chiến lược của doanh nghiệp dựa trên các chỉ số hoạt động để thông tin cho hội đồng quản trị và ban giám đốc xác định xem các chiến lược có thành công hay không.

Các ngân hàng Việt Nam thường phân chia theo giới trong danh mục khách hàng cá nhân, nhưng không phân chia trong danh mục khách hàng DNVVN. Trong hầu hết các trường hợp, việc đưa vào dữ liệu phân tách theo giới tính không đòi hỏi một hệ thống ngân hàng lõi mới hoặc một cuộc đại tu công nghệ thông tin lớn. Thay vào đó, các ngân hàng chỉ cần thay đổi các báo cáo mà hệ thống thông tin quản lý tạo ra để bổ sung chức năng phân tích danh mục khách hàng theo giới tính. 

Trong một số trường hợp, đơn xin vay và biểu mẫu giám sát sẽ cần thêm câu hỏi về giới tính của chủ sở hữu và lãnh đạo của doanh nghiệp, hoặc các chi nhánh có thể cần cung cấp thông tin chi tiết hơn về lý do khoản vay bị từ chối hoặc khi khách hàng rút đơn xin vay. Một lần nữa, đây là những thay đổi có thể quản lý được.

Ưu tiên thứ ba là sản phẩm. Một hạn chế đối với việc tăng cường cho vay đối với DNVVN do phụ nữ làm chủ là họ thường chiếm một tỷ lệ nhỏ trong danh mục cho vay tổng thể của ngân hàng. Dữ liệu cho phép các ngân hàng khai thác danh mục cho vay của mình để xác định nhóm khách hàng tương tự. Sau đó, ngân hàng có thể cấu trúc các sản phẩm đáp ứng nhu cầu cụ thể của các nhóm khách hàng này. Tuy nhiên, nếu không có dữ liệu cơ bản, việc cấu trúc sản phẩm để đáp ứng nhu cầu cụ thể của khách sẽ khó mang lại lợi nhuận.

Vậy những sản phẩm này sẽ như thế nào? Điều này phụ thuộc vào từng tổ chức và khách hàng của họ, nhưng sẽ có một số xu hướng chung. Ví dụ, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thường có khả năng tiết kiệm tốt hơn và phụ thuộc nhiều hơn vào những khoản tiết kiệm này để tài trợ cho tăng trưởng. 

Do đó, các sản phẩm tiết kiệm phù hợp có thể giúp những người phụ nữ này tiết kiệm siêng năng hơn cho việc mở rộng doanh nghiệp, từ đó mở rộng cơ sở tiền gửi của ngân hàng. Một ưu tiên khác, các DNVVN do phụ nữ điều hành có ít khả năng hơn trong việc tiếp cận bất động sản có thể dùng để thế chấp. Trong bối cảnh đó, những sản phẩm cho vay nhấn mạnh vào dòng tiền và các hình thức thế chấp khác sẽ hữu ích.

Trong bối cảnh các ngân hàng đang chịu áp lực kép từ việc vừa phải ứng phó với đại dịch COVID-19 vừa phải giới thiệu các chính sách ngân hàng xanh để giúp Việt Nam đáp ứng các cam kết trong Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26), có vẻ như việc phải bổ sung thêm một mục tiêu để trở thành “công dân doanh nghiệp” tốt chưa thật sự phù hợp vào thời điểm này. 

Tuy nhiên, hoạt động cho vay đối với phụ nữ có thể mang lại sự khác biệt cơ bản. Phụ nữ là một nửa số khách hàng tiềm năng. Họ cũng là đối tượng khách hàng có ít rủi ro thương mại hơn, có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn và sai sót ít hơn. Đối với các ban lãnh đạo ngân hàng, đây là cơ hội để đẩy mạnh tăng trưởng và lợi nhuận, đồng thời thúc đẩy những thay đổi xã hội tích cực.

Phương Nga  (TTXVN)
 Đổi mới, sáng tạo hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế
Đổi mới, sáng tạo hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế

Chào mừng Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, sáng 4/3, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Cần Thơ phối hợp cùng Quận ủy Bình Thủy đã tổ chức kỷ niệm 112 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và 1982 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN