9 tháng, kinh tế Thủ đô ước tăng 7,17%
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người của Thủ đô Hà Nội 9 tháng năm 2018 tính theo phương pháp mới ước tăng 7,17% (cùng kỳ là 6,87%).
Thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt 6,265 tỷ USD, gấp 5,4 lần cùng kỳ, vượt lên đứng đầu cả nước. Các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách ước thực hiện 70 dự án, tổng mức đầu tư 162,7 nghìn tỷ đồng… Tổng vốn đầu tư phát triển 9 tháng năm 2018 ước đạt 219,44 nghìn tỷ đồng, tăng 10,3%.
Đặc biệt, cung ứng điện năng được bảo đảm tốt, không để thiếu hụt trong những đợt cao điểm. Thị trường hàng hóa và dịch vụ tiếp tục tăng trưởng; giá cả thị trường cơ bản ổn định, không xảy ra hiện tượng thiếu hàng và tăng giá đột biến trong các dịp cao điểm… Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh, ước 9 tháng đạt 10,51 tỷ USD, tăng 21,6%.
Ngành du lịch cũng đạt kết quả ấn tượng với việc đón 19,7 triệu lượt khách, tăng 9,2%, trong đó có 4,3 triệu lượt khách quốc tế, tăng 20%. Sản xuất nông nghiệp 9 tháng cơ bản thuận lợi, giá nông sản ổn định trong nửa đầu năm và tăng nhẹ vào quý III đã tạo điều kiện kích thích sản xuất, kinh doanh...
Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội trong 9 tháng năm 2018 cũng đạt những bước tiến mới. Trong đó, thành phố đã vận hành thử nghiệm phần mềm một cửa điện tử dùng chung 3 cấp tại 6 sở, quận, huyện... Đã có 552/1.883 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (đạt 29,3%). Công tác cải cách hành chính có chuyển biến tích cực, toàn diện; kỷ luật, kỷ cương được tăng cường. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) năm 2017 tăng 2 bậc, xếp thứ 56/63 tỉnh, thành phố...
9 tháng năm 2018, thành phố đã giải quyết việc làm cho 151 nghìn lao động, tăng 18,8% so với cùng kỳ; an toàn lao động và các chế độ, chính sách đối với người lao động tiếp tục được tăng cường quản lý. Thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng các chế độ, chính sách với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 84,9%.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thành phố cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế như: hiện tượng ùn ứ giao thông, úng ngập khi mưa to vẫn xảy ra. Tiến độ xây dựng trạm xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp đang hoạt động chậm (dự kiến năm 2018 đạt 58,1%, trong khi chỉ tiêu cuối nhiệm kỳ là 100%). Việc thi công xây dựng các công trình trọng điểm còn chậm; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư phát triển chưa đạt yêu cầu đề ra…
Trong 3 tháng cuối năm, thành phố sẽ tập trung khắc phục tồn tại, hạn chế; hoàn thành những nhiệm vụ còn lại trong 188 nhiệm vụ, giải pháp tại Chương trình hành động số 34/CTr-UBND; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2018; trong đó, thành phố sẽ đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, kích cầu tiêu dùng, triển khai thực hiện hiệu quả tháng khuyến mại; kiểm soát chặt chẽ tình hình giá cả, thị trường, nhất là trong dịp cuối năm chuẩn bị Tết Nguyên đán 2019…
Qua các vụ "nóng" cần chấn chỉnh lại khâu quản lý
Nhắc đến những vụ việc bức xúc vừa xảy ra như: vụ đêm nhạc ở Công viên nước Hồ Tây, phản ánh 'bảo kê' ở chợ Long Biên, đám cháy ở đường Đê La Thành… Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đề nghị làm rõ công tác quản lý ra sao mà vẫn để lọt, xảy ra sai phạm. Thành phố cần tiếp tục có chỉ đạo xử lý nghiêm túc.
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhấn mạnh đến những tồn tại, hạn chế mà thành phố đang phải đối mặt hoặc chưa khắc phục được như: Số vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài còn nhiều; sự phối hợp giữa các cơ quan đơn vị trong giải quyết chưa cao, tốc độ giải quyết các vụ việc đang chậm đi; vẫn xảy ra một số vụ việc gây bức xúc dư luận, xã hội…
Từ thực tiễn đó, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền phải khẩn trương rà soát, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải quyết các nhiệm vụ công tác, mục tiêu đề ra của năm 2018. Cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc giải quyết và khắc phục các tồn tại, hạn chế. Sau kiểm điểm giữa nhiệm kỳ phải chủ động xây dựng chương trình kế hoạch công tác của năm 2019.
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cũng lưu ý, phải tăng cường công tác quản lý đô thị, trật tự an toàn giao thông, kỷ cương hành chính, văn minh đô thị; đôn đốc giải quyết vướng mắc của các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là những vướng mắc về giải phóng mặt bằng, quản lý nhà chung cư…
Ngoài ra, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng thông tin về việc tới đây, thành phố sẽ đưa vào vận hành, sử dụng nhiều dự án, công trình như cầu vượt An Dương, nhà máy nước mặt sông Đuống... Phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải để trước Tết có thể đưa vào khai thác, vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông… đáp ứng sự mong đợi của người dân.