Đối với những hộ còn lại, các ngành chức năng đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động di dời các lồng bè đến nơi quy hoạch. Ngoài ra, chính quyền cũng tuyên truyền, khuyến cáo người dân hạn chế tăng đàn, bởi đây là thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi có thể gây ra tình trạng cá chết hàng loạt.
Ông Ngô Tấn Tài, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện Định Quán cho biết: Hàng chục năm qua, người dân đã nuôi cá bè trên sông La Ngà, đoạn tiếp giáp hồ Trị An, thuộc huyện Định Quán bởi họ đã quen với việc nuôi cá tại nhiều khu vực nên việc vận động người dân di dời lồng bè rất khó khăn. Với những hộ không tự nguyện di dời, tới đây cơ quan chức năng sẽ kiên quyết cưỡng chế.
Thống kê của Uỷ ban Nhân dân huyện Định Quán, trên sông La Ngà, đoạn thuộc huyện Định Quán có hơn 210 hộ đang nuôi hàng trăm lồng bè với gần 9 triệu con cá tại những vị trí không phù hợp, phải di dời.
Những năm qua, trên sông La Ngà đã nhiều lần xảy ra tình trạng cá bè chết hàng loạt, người dân thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, gây ô nhiễm môi trường. Để giải quyết những bất cập trong quá trình nuôi cá bè, cuối năm 2019, tỉnh Đồng Nai phê duyệt đề án quản lý, sắp xếp lại vùng nuôi cá bè trên hồ Trị An; trong đó ưu tiên sắp xếp lồng bè ở đoạn sông La Ngà, thuộc xã La Ngà và xã Phú Ngọc, huyện Định Quán
Theo đề án trên, vị trí đặt lồng bè phải đạt các tiêu chí về đảm bảo khoảng cách giữa hai cụm bè sắp nối đuôi nhau là 200 mét. Khoảng cách giữa hai cụm bè xếp song song hoặc so le là 10 mét.Các cụm bè phải đặt xa nhau để dành đường cho giao thông thủy; cụm bè cách kè bảo vệ đường bộ và cầu từ 20 đến 150 mét.
Đặc biệt, lồng bè nuôi cá không được đặt tại cống xả của Công ty cổ phần Mía đường La Ngà, Công ty AB Mauri Việt Nam, thuộc huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai và những nơi tiếp nhận nước thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Cùng với quá trình sắp xếp lại lồng bè, Đồng Nai sẽ xây dựng thêm nhiều công trình phục vụ nghề cá, hướng tới sự phát triển lâu dài, bền vững.