Trên công trường, theo ghi nhận của phóng viên, các nhà thầu đã huy động tổng lực lực lượng với nhiều mũi thi công nhằm đảm bảo mốc thông xe kỹ thuật toàn tuyến vào ngày 31/8 và vận hành thương mại vào ngày 10/10/2018 theo yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải.
Ông Bùi Quang Bát, Giám đốc Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 Hòa Lạc - Hòa Bình (doanh nghiệp dự án) cho biết, toàn tuyến hiện không còn vướng về mặt bằng, vì vậy các đơn vị thi công đang thi công đồng loạt toàn tuyến. Hiện có khoảng 400-500 cán bộ kỹ thuật, công nhân thi công ngày đêm trên tuyến. Nếu thời tiết thuận lợi, không mưa, chắc chắn các nhà thầu sẽ đảm bảo thông xe kỹ thuật đúng ngày 31/8/2018 để khánh thành dự án vào ngày 10/10/2018.
Về phía nhà đầu tư, đại diện Tổng công ty 36 chia sẻ, vướng mắc lớn nhất của dự án thời gian qua là về nguồn vốn tín dụng đã được tháo gỡ. Ngày 11/7 vừa qua, Ngân hàng SHB đã ra quyết định nối lại giải ngân cho dự án. Nếu thời tiết thuận lợi thì mốc 31/8 tới thông xe kỹ thuật toàn tuyến là hoàn toàn có thể thực hiện được.
Đại diện Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, trên tuyến hiện khối lượng chủ yếu là thi công bê tông nhựa. Với thời gian còn nửa tháng, các nhà thầu phải quyết tâm rất cao mới có thể hoàn thành dự án theo mốc thời gian đã đề ra.
Ông Lưu Việt Khoa, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án 2 - Bộ Giao thông Vận tải (Đại diện cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tại dự án) cho hay, Ban đang phối hợp với nhà đầu tư, nhà thầu xây dựng lại tiến độ thi công tổng thể, chi tiết với từng gói thầu.
Đến ngày 14/8/2018, toàn tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình thi công đạt 84% tổng khối lượng công việc; trong đó, đã rải thảm 18/26km đường. Hiện chỉ còn một số hạng mục như cầu Thạch Bình, cầu Đồng Ngô, cầu Trung Mường 2, cầu Đèo Bụt 1, cầu vượt tỉnh lộ 445 đang thi công các hạng mục cuối, cơ bản sẽ kịp rải thảm trước ngày 31/8/2018.
“Hiện phần khó khăn nhất là đoạn 300 m đường ống nước Sông Đà và 400 m đoạn xử lý hang caster Đèo Bụt. Tuy nhiên, với việc áp dụng phương pháp thi là xây dựng cầu cạn nên tiến độ các gói này đang được các nhà thầu kiểm soát tốt, đảm bảo yêu cầu đề ra”, ông Lưu Việt Khoa thông tin.
Trước đó, tại buổi kiểm tra hiện trường dự án ngày 15/7/2018, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đánh giá tiến độ dự án đã có sự chuyển biến rõ rệt. Công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản được xử lý dứt điểm, tiến độ các gói thầu đã được đẩy nhanh, nhà đầu tư đã rà soát lại để cắt chuyển khối lượng của các nhà thầu thi công chậm. Trong 3 - 4 tháng qua, tiến độ dự án tương đối đáp ứng yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải đề ra.
“Bộ Giao thông Vận tải hoan nghênh tinh thần vào cuộc của chính quyền địa phương và sự nỗ lực của nhà đầu tư”, Bộ trưởng đánh giá và thống nhất với kiến nghị của nhà đầu tư; đồng thời chỉ đạo các cơ quan liên quan ký phụ lục hợp đồng BOT với doanh nghiệp dự án trên cơ sở đảm bảo ba điều kiện: Dự án phải đảm bảo tiến độ thông xe kỹ thuật vào 31/8/2018; hoàn thành toàn bộ các hạng mục hệ thống biển báo an toàn giao thông, cọc tiêu, gia cố mái ta luy… để khánh thành dự án vào dịp kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô (10/10) và thời gian giải ngân khối lượng đến 31/10/2018.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đây là công trình có quy mô lớn, nhà đầu tư phải đặc biệt lưu ý đến chất lượng công trình, nhất là việc thi công bê tông nhựa, công tác gia cố mái tuy luy để tránh sụt trượt… Tiến độ công trình rất cần, nhưng chất lượng công trình phải đặt lên hàng đầu. Nhà đầu tư cần phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu giải pháp chống thấm cho lớp kết cấu mặt đường, phương án gia cố mái ta luy dọc tuyến,…
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Cục Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông phải tăng cường kiểm tra, giám sát, các hạng mục thi công phải đúng quy trình, quy phạm, đảm bảo chất lượng như hồ sơ thiết kế.
Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc-Hòa Bình được khởi công vào tháng 5/2014, dự kiến hoàn thành vào 31/8/2016 (28 tháng), sau đó được lùi thời gian khai thác toàn tuyến vào 31/8/2018. Tổng mức đầu tư dự án hơn 2.989 tỷ đồng do liên danh Tổng công ty 36 - Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Hà Nội - Công ty cổ phần Xây lắp và Thương mại Trường Lộc làm nhà đầu tư theo hình thức BOT.
Dự án có điểm đầu tại ngã tư Hòa Lạc (km17+85-Quốc lộ 21), điểm cuối tại km32 +367, tương ứng với km67+510-lý trình Quốc lộ 6 thuộc xã Trung Minh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.
Theo thiết kế, tuyến có chiều dài khoảng 31km, đoạn 6,7km đầu đi trùng với đường Hòa Lạc-Làng Văn hóa (hiện là đường cấp 3 đồng bằng) tận dụng hoàn toàn. Đoạn tiếp theo xây dựng mới qua các huyện Thạch Thất (Hà Nội) và Kỳ Sơn, thành phố Hòa Bình có chiều dài khoảng 25,6km. Đoạn tuyến này sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m.