Dịch COVID-19: Cá rớt giá, ngư dân vẫn kiên cường bám biển

Dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu, nguồn hải sản khai thác của ngư dân chỉ tiêu thụ trong nước nên giá cả xuống thấp khiến nhiều chủ tàu cá thu không đủ chi.

Tuy nhiên, do đây là thời điểm vàng trong khai thác hải sản, nên các ngư dân Quảng Ngãi vẫn quyết tâm, kiên cường bám biển để mang về đầy tôm, cá.

Chú thích ảnh
Ngư dân Vạn chài Mỹ Á, xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi đánh bắt hải sản đầu năm 2020. 

Tàu cá QNg 92337 TS của ngư dân Võ Văn Tạo, xã Nghĩa Phú, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi hành nghề câu cá hố xuất khẩu. Bình quân, mỗi phiên biển anh Tạo chi phí khoảng 150 triệu đồng, sản lượng khai thác ước tính đạt từ 3-4 tấn. Tuy nhiên, giá thu mua hiện nay chỉ có 50.000 đồng/1kg, nên cũng chỉ thu về khoảng 150-180 triệu đồng, số tiền này chỉ đủ chi trả phí và công cho bạn tàu.

Ngư dân Võ Văn Tạo cho hay, đầu năm 2020, cá vẫn còn xuất khẩu được thì còn có thu nhập. Nhưng từ tháng 3/2020, giá cá liên tục hạ do không xuất khẩu được. Nếu hơn 2 tấn cá mà chỉ bán cho các thương để đưa đi bán lẻ tại các chợ trong tỉnh thì vừa chậm mà giá lại rất thấp. Giá cá như hiện nay là thấp nhất trong những năm gần đây, chỉ bằng 1/2 so với thời điểm này năm ngoái.

Ở xã Nghĩa An và Nghĩa Phú có 133 phương tiện và 1.247 lao động hành nghề câu cá hố xuất khẩu. Nguồn tiêu thụ hải sản của ngư dân chủ yếu là xuất sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên tình hình xuất khẩu rất hạn chế. Ngư dân Đặng Thanh Hùng, Chủ tàu cá QNg 92395 TS, cho biết: “Do ảnh hưởng của Dịch COVID -19, nên cá không thể xuất khẩu được, giá các loại cá đều giảm mạnh. Cá không thể xuất khẩu, bán cho các chợ thì chắc chắn giá thấp và không ổn định, nhưng đây là thực phẩm thiết yếu của mọi gia đình, nên tôi tin cá vẫn có thể tiêu thụ được. Hơn nữa, nếu không ra khơi thì chúng tôi cũng không biết làm nghề gì, tàu neo bờ cũng mất phí thuê người trông coi, tiền bến bãi. Do đó, tôi và anh em vẫn quyết bám biển, phiên lãi nhiều bù phiên lỗ hoặc lãi ít”. 

Để có được sản lượng và giá trị đạt cao, thời gian qua, nhiều ngư dân đã thay đổi ngư trường đánh bắt, hạn chế khai thác những loại hải sản hiện đang khó xuất khẩu như cá hố, cá ngừ, cá thu... để khai thác đối tượng khác để dễ dàng tiêu thụ thị trường trong nước, góp phần nâng cao thu nhập khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
    
Tỉnh Quảng Ngãi có hàng nghìn tàu cá chuyên đánh bắt xa bờ; sản lượng khai thác thủy sản năm 2019 đạt khoảng 250.000 tấn. Dù dịch COVID-19 đang phức tạp, nhưng hầu hết các cơ sở thu mua, chế biến hải sản ở Quảng Ngãi vẫn hoạt động bình thường. Tuy giá một số loại hải sản có giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng cá vẫn có người thu mua. 

Anh Phạm Văn Việt, chủ cơ sở thu mua hải sản tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, cho biết, thực tế hiện nay, có nhiều tàu cá của Quảng Ngãi khai thác hải sản có giá trị cao để xuất khẩu. Hiện nay, vẫn có nhiều cơ sở mua các loại cá này để sơ chế, chờ đến khi thị trường ổn định trở lại sẽ xuất khẩu. Còn đối với những loại hải sản để phục vụ thị trường nội địa, do dịch COVID -19 làm ảnh hưởng đến lượng tiêu thụ nên giá thành cũng giảm, nhưng các cơ sở vẫn thu mua hết sản lượng của các tàu để ngư dân tiếp tục bám biển khai thác nguồn lợi thủy sản.

Bài và ảnh: Đinh Thị Hương (TTXVN)
Ngành thủy sản và ngư dân nỗ lực gỡ 'thẻ vàng' IUU
Ngành thủy sản và ngư dân nỗ lực gỡ 'thẻ vàng' IUU

Trong 2 năm qua, sau khi bị "thẻ vàng" IUU, ngành thủy sản và ngư dân đã nỗ lực để thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu. Hiện, chính quyền địa phương các tỉnh có hoạt động khai thác, đánh bắt trên biển vẫn tiếp tục hoàn thiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, thực hiện tốt các tiêu chí về chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN