Nghiên cứu được trường Đại học Haifa của Israel công bố trên tạp chí Nature Communications, theo đó, cây lúa mì đột biến mất chức năng ở cụm gene OPR-III có rễ chính mọc dài hơn, trong khi tăng liều lượng OPR-III hoặc tác động chuyển đổi gene quá mức dẫn đến kết quả rễ chính giảm phát triển và rễ bên mọc sớm. Các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng gene có thể quyết định tốc độ sinh trưởng của rễ thông qua sự bài tiết của hormone.
Kết quả nghiên cứu này sẽ tạo điều kiện để các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp phát triển các giống lúa mì có rễ dài hơn để tiếp cận các lớp đất sâu hơn, hút được nhiều nước và chất dinh dưỡng hơn, giúp cải thiện đáng kể năng suất trong điều kiện khô hạn và lượng mưa thấp.
Nhà nghiên cứu Gilad Gabay cho biết: “Đây là lần đầu tiên giới khoa học phát hiện gene liên quan đến khả năng chịu hạn và chức năng của nó được xác nhận trong lúa mì”.
Phát hiện mới có tính ứng dụng cao do trước đó 5 năm, các nhà khoa học đã hoàn tất giải trình tự bộ gene của cây lúa mì thông thường. Đại học UH cũng là một đối tác tham gia quá trình giải trình tự gene này.