Hình minh họa thiên thạch đâm xuống Trái Đất. |
Đúng với tên gọi của báo cáo, tài liệu nêu rõ chi tiết các bước chuẩn bị cho một thảm họa khi một vật ở ngoài vũ trụ (NEO) như “tiểu hành tinh sát thủ” đang trên đường tiến sát và đâm xuống Trái Đất.
Nhóm làm việc chuyên phát hiện và giảm bớt hậu quả khi một vật không gian va chạm với Trái Đất (DAMEN) là những người chịu trách nhiệm phần nội dung của báo cáo trên.
Trong báo cáo nêu ra 7 mục tiêu chiến lược, bao gồm nâng cao khả năng phát hiện NEO, chuyên sâu việc dựng hình và phán đoán đường đi chuyển động của NEO, phát triển các phương pháp nhằm làm NEO chệch hướng, phát triển những quá trình khẩn cấp trong trường hợp bị ảnh hưởng, thiết lập kế hoạch phản ứng kịp thời và quá trình khôi phục, ủng hộ việc hợp tác đa quốc gia để phòng tránh hậu quả khôn lường của NEO cũng như tăng cường sự hợp tác liên lạc giữa các cơ quan chính phủ Mỹ.
Bản báo cáo được đưa ra ngay sau khi xuất hiện lời cảnh báo đến từ nhà khoa học cấp cao của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) ông Joseph Nuth bình luận vào tháng 12/2016. Ông Nuth cho biết “chúng ta không thể làm gì khi xảy ra một vụ va chạm với tiểu hành tinh”, cũng như không có đủ thời gian để kích hoạt một thiết bị phá hủy tiểu hành tinh trong không gian kể từ khi phát hiện chúng đang trên đường đâm vào Trái Đất.
Trước đó, vào tháng 8/2015, NASA cũng công bố một báo cáo cho rằng tất cả các tiểu hành tinh tiềm ẩn nguy cơ gây hại chỉ có “chưa đến 0.01% cơ hội ảnh hưởng đến Trái Đất trong 100 năm nữa”. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta chưa phải lo lắng gì và vẫn có thời gian chuẩn bị nếu tình huống xấu xảy ra.
Tuy nhiên vẫn không loại trừ nguy cơ xuất hiện các “tiểu hành tinh sát thủ” chưa được khám phá. Tổ chức phi lợi nhuận săn tìm NEO có tên gọi B612 cho biết vẫn còn “1 triệu hành tinh nhỏ có thể xóa sạch một thành phố chỉ trong chớp mắt hoặc có thể phá hủy nền kinh tế thế giới” mà NASA chưa phát hiện ra. Chỉ cần một tiểu hành tinh nhỏ cũng có thể gây ra sức tàn phá khủng khiếp.
Gần đây nhất, vào năm 2013, nước Nga đã chứng kiến màn hạ cánh của sao băng Chelyabinsk giải phóng năng lượng tương đương 500 kiloton TNT, gấp 20-30 lần so với vụ nổ hai quả bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki. Vụ va chạm đã khiến 1.200 người bị thương và hơn 3.000 tòa nhà trong sáu thành phố trong khu vực bị hư hại.