Theo nghiên cứu được đăng trên tạp chí khoa học Proceedings of the Royal Society A., trong vòng 2700 năm qua, ngày trung bình trên Trái Đất đã dài ra với tốc độ 1,8 mili-giây sau mỗi thế kỷ. Con số này thấp hơn "đáng kể" so với tốc độ 2,3 mili-giây mỗi thế kỷ được tính toán trước đó dựa trên sức níu từ lực hấp dẫn của Mặt Trăng đối với Trái Đất - yếu tố gây ra hiện tượng thủy triều của các đại dương.
Bình minh tại thành phố Dubai, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) - Ảnh: AFP |
Với nghiên cứu vừa được công bố, nhà thiên văn học Leslie Morrison thuộc Đài Thiên văn Greenwich Hoàng gia (Anh) và nhóm của mình đã sử dụng các lý thuyết lực hấp dẫn về chuyển động của Trái Đất quanh Mặt Trời, và của Mặt Trăng quanh Trái Đất, để tính toán thời điểm xảy ra các hiện tượng nhật thực và nguyệt thực khi quan sát từ Trái Đất. Sau đó các nhà khoa học xác định các vị trí trên Trái Đất được cho là có thể quan sát rõ nhất các hiện tượng này và so sánh chúng với những ghi nhận về nhật thực và nguyệt thực được ghi chép trong các thư tịch của người Babylon, Trung Quốc, Hy Lạp và Arab cổ đại cũng như các nhà khoa học châu Âu thời Trung cổ.
Trong quá trình đối chiếu, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra những điểm không tương thích giữa các vị trí quan sát nguyệt thực, nhật thực theo tính toán và những vị trí thực tế mà các nhà thiên văn học cổ đại đã quan sát được các hiện tượng này trong lịch sử. Các nhà nghiên cứu kết luận những điểm không tương thích này cho thấy sự thay đổi về tốc độ quay của Trái Đất tính từ năm 720 trước Công nguyên, thời điểm xuất hiện những ghi chép đầu tiên của con người về các hiện tượng nhật thực và nguyệt thực.
Giới khoa học cho rằng các yếu tố tác động đến tốc độ quay của Trái Đất bao gồm sức níu từ Mặt Trăng, sự thay đổi hình dáng của Trái Đất do chóp băng ở hai cực thu nhỏ lại kể từ kỷ Băng Hà gần đây nhất, tương tác điện từ giữa lớp vỏ và lõi Trái Đất, cùng sự thay đổi của mực nước biển.