Theo trang Oddity Central (Anh), mô hình Life2vec, do các nhà khoa học ở Đan Mạch và Mỹ phát triển, dựa trên khối lượng dữ liệu khổng lồ có thể dự đoán các khía cạnh khác nhau trong cuộc sống của mỗi người.
Sau khi được cung cấp dữ liệu từ hồ sơ nhân khẩu học và sức khỏe cho 6 triệu người ở Đan Mạch - như thời điểm ra đời, giáo dục, tiền lương, nhà ở và sức khỏe - mô hình AI này đã được đào tạo để dự đoán điều gì sẽ xảy ra trong tương lai.
Theo các nhà khoa học, Life2vec cũng có khả năng độc đáo là dự đoán khi nào con người sẽ qua đời dựa trên phân tích dữ liệu. Chẳng hạn, khi thử nghiệm trên một nhóm người trong độ tuổi từ 35 đến 65, một nửa trong số họ đã qua đời trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2020. Thuật toán này đã dự đoán thời gian sống của họ với độ chính xác 78%.
Giáo sư Sune Lehmann Jørgensen, nhà khoa học dẫn đầu nhóm nghiên cứu tại Đại học Kỹ thuật Đan Mạch, chỉ ra rằng Life2vec được đào tạo độc quyền trên các dữ liệu từ Đan Mạch, nên dự đoán này có thể không đúng đối với những người sống ở những nơi khác. Ông Jørgensen cũng nhấn mạnh mô hình này không nên rơi vào tay các tập đoàn bảo hiểm, dù có thể họ đang sử dụng công nghệ tương tự đối với chúng ta.
Life2vec hiện không được cung cấp cho công chúng. Tuy nhiên, những người sáng tạo ra mô hình này nghi ngờ chúng đã được phát triển và đang được các công ty công nghệ lớn sử dụng với lượng dữ liệu khổng lồ.
Bất chấp những tác động về mặt đạo đức, việc sử dụng mô hình AI này có khả năng ước tính thời gian sống của một người với độ chính xác đáng kinh ngạc.
“Mô hình của chúng tôi cho phép các nhà nghiên cứu khám phá các cơ chế tiềm năng tác động đến chất lượng sống, cũng như các vấn đề liên quan đến việc can thiệp cá nhân hóa”, nhóm phát triển Life2vec cho biết.