Lần đầu chứng kiến 'chiến tranh' giữa hai thiên hà

Các nhà thiên văn học vừa chứng kiến một hiện tượng chưa từng được ghi nhận trước đây: một vụ va chạm dữ dội giữa hai thiên hà, trong đó một thiên hà phóng bức xạ mạnh xuyên qua thiên hà còn lại. Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Nature cho thấy bức xạ này đã làm suy yếu khả năng hình thành các ngôi sao mới của thiên hà bị tổn thương.

Kết quả này được rút ra từ quan sát kết hợp giữa Kính viễn vọng Rất lớn (VLT) của Đài thiên văn Nam Âu (ESO) và Đài quan sát thiên văn lớn nhất thế giới ALMA, hé lộ chi tiết toàn cảnh cuộc chiến giữa các thiên hà này.

Tại vùng sâu thẳm của vũ trụ, hai thiên hà đang mắc kẹt trong một cuộc chiến ngoạn mục. Chúng liên tục lao về phía nhau với vận tốc 500 km/giây trên quỹ đạo va chạm dữ dội, chỉ để rồi va chạm xẹt qua nhau trước khi rút lui và chuẩn bị cho đợt tấn công tiếp theo.

Tiến sĩ Pasquier Noterdaeme, đồng tác giả nghiên cứu đến từ Viện Vật lý Thiên văn Paris (Pháp) và Phòng thí nghiệm Thiên văn Pháp - Chile, so sánh hiện tượng này với môn đấu thương thời trung cổ và gọi hệ thống này là "cuộc đấu thương vũ trụ". Tuy nhiên, cuộc chiến này không hề công bằng khi một trong hai thiên hà sử dụng một lỗ đen siêu nặng để phóng ra ngọn giáo bức xạ xuyên qua đối thủ.

Các lỗ đen siêu nặng này, còn được gọi là quasar, là những nhân sáng của một số thiên hà xa xôi, phát ra lượng bức xạ khổng lồ. Cả quasar và sự va chạm giữa các thiên hà từng phổ biến hơn nhiều trong vài tỷ năm đầu tiên của vũ trụ. Để quan sát chúng, các nhà thiên văn phải nhìn ngược về quá khứ bằng những kính viễn vọng mạnh mẽ. Ánh sáng từ "cuộc đấu thương vũ trụ" này đã mất hơn 11 tỷ năm để đến được Trái Đất, cho chúng ta thấy hình ảnh của vũ trụ khi nó mới chỉ bằng 18% tuổi hiện tại.

Tiến sĩ Sergei Balashev, đồng tác giả nghiên cứu từ Viện Ioffe ở St Petersburg (Nga), giải thích: "Đây là lần đầu tiên chúng ta thấy được tác động trực tiếp của bức xạ từ quasar lên cấu trúc bên trong của khí trong một thiên hà bình thường". Quan sát mới cho thấy bức xạ từ quasar phá vỡ các đám mây khí và bụi trong thiên hà thông thường, chỉ để lại những vùng nhỏ nhất và đặc nhất. Những vùng này có thể quá nhỏ để có thể hình thành sao, khiến thiên hà bị tổn thương có ít "nhà máy" sản xuất sao hơn.

Tuy nhiên, không chỉ thiên hà “bại trận” bị biến đổi. Tiến sĩ Balashev giải thích: "Những vụ va chạm này được cho là mang một lượng lớn khí đến các lỗ đen siêu nặng nằm ở trung tâm thiên hà". Trong cuộc đấu thương vũ trụ này, nguồn nhiên liệu mới được đưa vào tầm với của lỗ đen siêu nặng đang cấp năng lượng cho quasar. Khi lỗ đen được "nuôi dưỡng", quasar có thể tiếp tục cuộc tấn công phá hoại của mình.

Với sự phát triển của các kính viễn vọng lớn hơn và mạnh mẽ hơn như Kính viễn vọng Cực lớn (ELT) của ESO, các nhà khoa học hy vọng sẽ hiểu rõ hơn về những va chạm như thế này, cũng như sự tiến hóa của quasar và ảnh hưởng của chúng đối với các thiên hà lân cận.

Thanh Tùng (TTXVN)
Phát hiện oxy trong thiên hà xa nhất từng được biết đến
Phát hiện oxy trong thiên hà xa nhất từng được biết đến

Ngày 20/3, theo tờ Potilico, các nhà thiên văn học công bố phát hiện về sự tồn tại của oxy và các nguyên tố nặng trong thiên hà JADES-GS-z14-0, thiên hà xa nhất từng được quan sát, cách Trái Đất 13,4 tỷ năm ánh sáng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN