Giải pháp giúp giảm căng thẳng mắt liên quan đến công việc văn phòng

Ngày nay, màn hình kỹ thuật số xuất hiện khắp nơi, từ công sở đến gia đình, trường học và cửa hàng.

Chú thích ảnh
Ảnh: Getty images

Tuy nhiên, việc sử dụng chúng trong thời gian dài có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe mắt.

Cathy Higgins, một nhân viên đại học tại Mỹ, thường xuyên gặp tình trạng mỏi mắt nghiêm trọng vào khoảng 3 giờ chiều mỗi ngày, sau khi làm việc liên tục trước các màn hình máy tính suốt 5-6 giờ.

“Tầm nhìn của tôi mờ đến mức không thể đọc được chữ trên màn hình, và tôi phải nheo mắt đến mức không thể làm việc”, cô chia sẻ.

Theo Hiệp hội nhãn khoa Mỹ (AOA), có khoảng 104 triệu người Mỹ trong độ tuổi lao động dành hơn 7 giờ mỗi ngày trước màn hình. Việc tiếp xúc lâu dài với màn hình có thể dẫn đến khô hoặc chảy nước mắt, nhìn mờ, đau đầu và thậm chí cận thị, đặc biệt ở trẻ em. Một số người thậm chí gặp chóng mặt khi nhìn vào màn hình quá lâu.

Nguyên nhân chính là do việc nhìn gần màn hình trong thời gian dài khiến cơ điều tiết mắt bị co thắt, dẫn đến mệt mỏi.

“Cơ này không được thiết kế để hoạt động liên tục cả ngày. Nếu nó phải co suốt thời gian dài, giống như bạn cầm một vật nhẹ giơ lên đầu trong nhiều giờ, nó sẽ rất mệt”, ông Steven Reed, Chủ tịch AOA, giải thích.

May mắn là ánh sáng xanh từ màn hình chưa được chứng minh gây tổn thương vĩnh viễn cho mắt, nhưng các triệu chứng như nhức mỏi mắt có thể làm gián đoạn công việc, thời gian dành cho gia đình và giấc ngủ. Các chuyên gia đưa ra một số giải pháp:

Quy tắc 20-20-20: Cứ mỗi 20 phút, hãy rời mắt khỏi màn hình và nhìn vào một điểm cách xa khoảng 6 m trong 20 giây. Điều này giúp cơ mắt được thư giãn.

Sử dụng thuốc nhỏ mắt: Khi làm việc với màn hình, số lần chớp mắt giảm từ 18-22 lần/phút xuống còn 3-7 lần/phút, gây khô mắt. Thuốc nhỏ mắt có thể giúp giảm bớt tình trạng này.

Điều chỉnh vị trí màn hình: Đặt màn hình cách mắt một sải tay và điều chỉnh sao cho bạn nhìn hơi xuống một góc nhỏ.

Tăng kích thước chữ: Sử dụng màn hình lớn hơn hoặc tăng kích thước chữ để giảm căng thẳng mắt.

Cathy Higgins, sau khi chuyển sang làm việc tại nhà ở Virginia, đã sử dụng màn hình rộng 29 inch và ngồi cách màn hình khoảng 1 m, xa hơn so với thiết kế văn phòng thông thường. Cô cũng áp dụng các giải pháp trên và nhận thấy tình trạng mắt mờ giảm đáng kể, dù vẫn gặp vấn đề khi làm việc kéo dài 12 giờ.

Trẻ em ngày càng sử dụng nhiều thiết bị kỹ thuật số trong học tập và giải trí, làm gia tăng nguy cơ cận thị. Ayesha Malik, bác sĩ nhãn khoa nhi tại Bệnh viện Nhi Philadelphia, khuyến nghị áp dụng quy tắc 20-20-20-2:

Cứ sau 20 phút làm việc với màn hình, nghỉ ngơi 20 giây. Nhìn xa ít nhất 6 m. Đồng thời, dành 2 giờ mỗi ngày chơi ngoài trời để hỗ trợ phát triển mắt.

Ngoài ra, cha mẹ nên khuyến khích trẻ xem nội dung trên TV thay vì máy tính bảng để giảm căng thẳng mắt.

Bên cạnh đó, ánh sáng xanh từ màn hình có thể làm tăng sự tỉnh táo, khiến việc sử dụng thiết bị vào buổi tối làm gián đoạn giấc ngủ. Các bác sĩ khuyên nên tắt màn hình ít nhất 1-2 giờ trước khi đi ngủ. Bạn cũng có thể chuyển thiết bị sang chế độ “dark mode” hoặc nghe sách nói, podcast thay vì xem video.

Căng thẳng mắt do màn hình là tạm thời, nhưng nếu không được xử lý, nó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến công việc và sức khỏe hàng ngày. Bằng cách nghỉ ngơi hợp lý và thiết lập bàn làm việc phù hợp, bạn có thể bảo vệ đôi mắt của mình trong thời đại kỹ thuật số.

Phúc Toàn/Báo Tin tức (Theo Abcnews/AP)
Người Việt Nam đang quan tâm hơn đến vấn đề sức khỏe
Người Việt Nam đang quan tâm hơn đến vấn đề sức khỏe

“Người Việt Nam đang quan tâm hơn đến vấn đề sức khỏe, 84% người dân bày tỏ hài lòng với hệ thống y tế công”, đây là những điểm chính trong Báo cáo Sức khỏe - Thị trường Việt Nam 2024 được công bố tại tọa đàm “Các giải pháp của Đức và quan hệ Đức - Việt trong việc nâng cao chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam” do STADA Pymepharco phối hợp cùng Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Việt Nam) tổ chức chiều 17/1 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN