Cục tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực viễn thám, trong đó hướng dẫn và quy định rõ trách nhiệm trong ứng dụng và công tác quản lý nhà nước về viễn thám tại địa phương. Đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về viễn thám, Cục hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định kỹ thuật về phát triển và ứng dụng công nghệ viễn thám phù hợp với từng lĩnh vực ngành Tài nguyên và Môi trường.
Cục chú trọng tới việc đầu tư trang thiết bị, cung cấp cơ sở dữ liệu, chuyển giao công nghệ viễn thám, hỗ trợ nghiệp vụ chuyên môn, tạo thuận lợi cho địa phương trong việc khai thác và sử dụng dữ liệu viễn thám. Làm phong phú, đa dạng hóa nguồn dữ liệu trong cơ sở dữ liệu viễn thám tại địa phương, Cục đã xây dựng cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia thống nhất với cơ sở dữ liệu Tài nguyên và Môi trường cung cấp các dữ liệu ảnh viễn thám đã qua sử dụng.
Cục Viễn thám quốc gia đã cung cấp dữ liệu ảnh vệ tinh Spot 6/7 phục vụ công tác nghiên cứu khoa học để phát triển lĩnh vực viễn thám. Các đề tài nghiên cứu khoa học đã góp phần xác lập các cơ sở khoa học thực tiễn phục vụ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành viễn thám, các quy chuẩn, tiêu chuẩn viễn thám. Cục nghiên cứu khoa học, công nghệ nhằm ứng dụng công nghệ tiên tiến trong việc phát triển cơ sở hạ tầng viễn thám, công nghệ quan trắc giám sát tài nguyên môi trường, thiên tai bằng công nghệ viễn thám.
Hệ thống cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia, siêu dữ liệu viễn thám bao gồm dữ liệu ảnh vệ tinh Spot 6/7 đang được xây dựng và cập nhật cùng với việc xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới cung cấp dịch vụ công trực tuyến về dữ liệu viễn thám cho mọi tổ chức và cá nhân có nhu cầu sử dụng. Hạ tầng viễn thám được hoàn thiện đồng bộ với quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường, trong đó sẽ đầu tư trang bị hai trung tâm thu nhận dữ liệu viễn thám từ vệ tinh tại Hà Nội và Bình Dương. Hệ thống truyền dẫn dữ liệu viễn thám được hoàn thiện bảo đảm cung cấp và xử lý dữ liệu viễn thám kịp thời phục vụ công tác quản lý nhà nước và các trường hợp khẩn cấp như phòng tránh thiên tai, thảm họa hoặc các sự cố môi trường…
Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 cho thấy, quan điểm là phát triển viễn thám với thiết bị, công nghệ tiên tiến, hiện đại. Nhà nước tập trung đầu tư hệ thống thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám, cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia, phát triển công nghệ viễn thám, quan trắc và giám sát bằng viễn thám trong một số lĩnh vực. Thông tin, dữ liệu, sản phẩm viễn thám phải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và được chia sẻ, sử dụng có hiệu quả trong các ngành, lĩnh vực.
Chiến lược nêu mục tiêu đến năm 2030, ứng dụng rộng rãi công nghệ viễn thám, sử dụng sản phẩm, dữ liệu viễn thám trong các ngành, lĩnh vực, trọng tâm là điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát tài nguyên và môi trường, tìm kiếm cứu nạn cứu hộ, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu...
Tầm nhìn Chiến lược đến năm 2040, Việt Nam chủ động công nghệ chế tạo và hoàn thành việc xây dựng chùm vệ tinh viễn thám, hệ thống trạm thu nhận, xử lý dữ liệu viễn thám, trạm điều khiển vệ tinh viễn thám, hệ thống chụp ảnh bề mặt Trái Đất từ các thiết bị bay không người lái, khinh khí cầu đồng bộ, hiện đại, cung cấp đầy đủ dữ liệu viễn thám đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng.