Theo kênh RT, đội ngũ nghiên cứu tại Đại học Y Baylor (thành phố Houston) do nhà khoa học Daniel Yoshor dẫn đầu đã phát triển mô cấy thần kinh cho phép người khiếm thị 'nhìn thấy' các đường viền của hình khối và chữ cái bằng cách chuyển thông tin hình ảnh trực tiếp từ máy ảnh đến não mà không cần dùng đến mắt hay các dây thần kinh thị giác.
Nhóm nghiên cứu lưu ý cần mất nhiều năm nữa mới phát triển được một “bộ phận trực quan thay thế” để người mù lấy lại thị lực hoàn toàn. Tuy nhiên, với thành tựu mô cấy mới nhất, khả năng “nhìn thấy” hình khối cơ bản mở ra nhiều cơ hội cho người khiếm thị.
“Khi chúng tôi sử dụng phương pháp kích thích điện để in hình ảnh các chữ cái trực tiếp lên não của bệnh nhân, họ có thể 'nhìn thấy' hình dạng chữ và có thể xác định chính xác các chữ cái khác nhau. Trong não bộ của họ sẽ xuất hiện những điểm phát sáng hay đường viền tạo thành chữ cái, tương tự hình ảnh khi viết trên trời vậy”, tác giả nghiên cứu Daniel Yoshor giải thích.
Đội ngũ nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm hệ thống lên 4 người nhìn được và 2 người mù. Tất cả người tham gia đều nhận dạng chính xác từng chữ cái “in” vào não bộ của họ.
Các nhà khoa học cho biết phương pháp hiện tại mới chỉ kích thích một số lượng nhỏ trong khoảng nửa tỷ tế bào thần kinh nằm trên vỏ não thị giác. Do hệ thống sử dụng một số lượng điện cực hạn chế, công việc tiếp theo của nhóm tác giả là phát triển một nguyên mẫu mới sử dụng hàng nghìn điện cực nhằm cho phép hình ảnh được tạo ra một cách chính xác hơn trong não người dùng.
Các nhà khoa học hy vọng mặc dù đang trong giai đoạn phát triển ban đầu song trong tương lai, hệ thống có thể giúp người khiếm thị nhìn được hình ảnh phác thảo các thành viên gia đình và người thân.