Việt Nam nuôi thành công Đông trùng hạ thảo

Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Công nghệ Sinh học, thuộc Công ty cổ phần Ứng dụng Khoa học Kỹ thuật Việt Nam-Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE), đã phân lập và nhân nuôi thành công chủng nấm có trong “Đông trùng hạ thảo”.

Đây là một loại dược liệu quý hiếm, người bị bệnh ở Việt Nam thường xuyên phải mua từ nước ngoài với giá rất đắt.

Người dân thường cho rằng đó là loài sinh vật đặc biệt, mùa Đông ở dạng côn trùng, sang mùa Hạ lại hóa thành cây cỏ. Chính vì thế mới mang tên “Đông trùng hạ thảo” và có khả năng chữa được rất nhiều thứ bệnh, kể cả ung thư.

Việt Nam đã nhân nuôi thành công loại dược liệu quý hiếm "Đông trùng hạ thảo".


Nhưng qua nghiên cứu, các nhà khoa học xác định: Đông trùng hạ thảo là tên gọi chung cho một nhóm nấm kí sinh trên ấu trùng một loài côn trùng đặc hữu của vùng Tây Tạng (Trung Quốc). Trong đó thường là nấm Cordyceps sinensis và nấm Cordyceps militaris .

Nghiên cứu sâu hơn, người ta xác định trong quả thể của nấm Cordyceps militaris chứa khá nhiều hoạt chất có hoạt tính sinh học cao như Cordycepin, Adenosine, Mannitol, Cordypolysaccarid, Superoxide, Dismutise…

Một số nghiên cứu khác về y học cũng khẳng định nấm Cordyceps militaris có khả năng điều hoà tim mạch, điều trị bệnh thận do giảm immunoglobin A. Có tác dụng hỗ trợ điều trị các bệnh virus, đái tháo đường và suy giảm tình dục; tác dụng ngăn ngừa và kìm hãm sự phát triển ung thư.

Vì thế trong thời gian gần đây, nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan…đều nghiên cứu, nhân nuôi phát triển các loài nấm này, để bào chế thành thuốc, bán với giá rất cao.

Nhận thấy giá trị cũng như tiềm năng ứng dụng vô cùng lớn của các loài nấm trong “Đông trùng hạ thảo”, Công ty cổ phần Ứng dụng Khoa học Kỹ thuật Việt Nam đã đầu tư và giao cho nhóm tác giả trẻ (đứng đầu là Thạc sĩ Vũ Xuân Tạo) nghiên cứu nuôi trồng thử nghiệm loại nấm này tại Việt Nam, nhằm hạ giá thành xuống thấp nhất để người Việt có cơ hội sử dụng.

Sau nhiều năm sưu tập, nghiên cứu các sản phẩm trong nước và nước ngoài, nhóm tác giả đã chọn lọc và nhân nuôi thành công một số chủng nấm có chất lượng cao, song giá thành vẫn không được thị trường chấp nhận. Do quy trình nhân nuôi chưa ổn định và giá thể (chủ yếu là ấu trùng sâu) dùng để nhân nuôi các loài nấm quý vẫn phải mua của nước ngoài.

Nhóm tác giả tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ; đồng thời tìm ra một số cơ chất sẵn có trong nước, có thể thay thế sản phẩm của nước ngoài, làm giá thể nuôi nấm, cho kết quả tốt.

Nhân nuôi trên giá thể mới, trong điều kiện ở Việt Nam, chủng nấm Cordyceps militaris không những phát triển tốt, mà còn cho quả thể chứa nhiều hoạt chất quý, tương đương các sản phẩm loại I của nước ngoài.

Hiện nay Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Công nghệ Sinh học đã làm chủ được quy trình công nghệ nuôi trồng nấm Cordyceps militaris cho ra sản phẩm có chất lượng.

Điều quan trọng là giá thành nấm chỉ bằng 1/5 giá sản phẩm của nước ngoài. Công nghệ này đã được chuyển giao cho một số đơn vị và cá nhân trong nước, tạo sinh kế mới cho người dân.


Quang Chính

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN